Đón nguồn điện trời: Trước giờ G cận kề, chạy đua bán được giá cao
Các dự án đang “chạy đua” về đích để kịp hưởng giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng/kWh. Nhiều dự án đã thực sự chậm chân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Theo số liệu cập nhật, đến hết ngày 3/8, tổng cộng có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).
Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là hơn 5.655 MW.
Đến đầu 8/2021, có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại. EVN cho biết sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.
Đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại. |
Căn cứ nội dung Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió: trước 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, Bên bán điện có trách nhiệm gửi Bên mua điện Dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của Nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của Nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định Ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của Nhà máy điện.
Như vậy, để đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) trước 31/10, chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho Bên mua điện (EVN) muộn nhất là ngày 3/8.
Thời gian qua, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất là 8144,88 MW.
Như vậy, hàng chục nhà máy điện gió chính thức “lỡ hẹn” để hưởng giá ưu đãi là khoảng 2.000 đồng/kWh. Còn hơn 100 dự án đăng ký COD cũng sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới về được đích.
Danh sách các dự án đã gửi hồ sơ đăng ký thử nghiệm COD:
Nguồn: Báo xây dựng