Từng bước làm chủ công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng
Việt Nam có lợi thế trong phát triển điện gió, điện Mặt Trời, tuy nhiên, để phát triển toàn diện cần hàng loạt công nghệ phục vụ chuỗi giá trị, khởi đầu từ công nghệ chế tạo và sản xuất vật liệu…
Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai – An Giang với tổng công suất 210 MWp sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN) |
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26 mới diễn ra.
Quy hoạch điện VIII nhằm giảm điện than, khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống, trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới bởi đây là nguồn năng lượng có tiềm năng cần đẩy mạnh ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.
Từng bước làm chủ công nghệ
Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ về cơ chế, chính sách, các chương trình khoa học về năng lượng, các công nghệ mới, cũng như xu hướng công nghệ mới đến từ đại diện các nước trên thế giới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững; đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý nhà nước, quản lý trong các doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội…
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành GWEC tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thu hút được số lượng lớn các nguồn tài chính khi các tổ chức tài chính đang tìm cách dịch chuyển đầu tư từ ngành nhiên liệu hóa thạch sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Vì vậy, Việt Nam nên tận dụng cơ hội để phát triển thành trung tâm năng lượng sạch trong tương lai ở Đông Nam Á và điều này sẽ mang lại cho Việt Nam lợi thế chiến lược đáng kể trong khu vực.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng phát triển khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp quan trọng để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Thực hiện quy hoạch điện VIII, hiện Việt Nam đã chú trọng trong hoạt động ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; từng bước tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển năng lượng, tiến đến phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngang tầm khu vực và thế giới. Sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ xanh là chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng.
Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng cho biết trong phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có lợi thế trong phát triển điện gió, điện Mặt Trời, tuy nhiên, để phát triển toàn diện cần hàng loạt công nghệ phục vụ chuỗi giá trị, khởi đầu từ công nghệ chế tạo và sản xuất vật liệu…
Nhìn chung, năng lượng tái tạo có rất nhiều tiềm năng cũng đầy thách thức trong phát triển công nghệ. Trong tương lai dài hạn vấn đề quan trọng nhất đối với công nghệ năng lượng tái tạo là kết nối nguồn năng lượng này với mạng lưới điện một cách an toàn và hiệu quả.
Đảm bảo an ninh năng lượng
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng, vì vậy cần đưa lĩnh vực ứng dụng năng lượng trở thành một lĩnh vực có đóng góp ngày càng tăng và hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm hoạt động quản lý nhà nước, quản lý trong các doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được xây dựng trên diện tích rộng trên 100ha. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN) |
Tại tọa đàm “Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ chho chuyển dịch năng lượng toàn cầu,” các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ cơ chế chính sách, các chương trình khoa học về năng lượng, các công nghệ mới, cũng như xu hướng công nghệ mới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh thời gian tới, việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam từ sản xuất, tiêu dùng đảm bảo hiệu quả năng lượng và làm sao sử dụng thông minh nhất là tất yếu.
Cùng với đó đa dạng hóa các nguồn năng lượng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng phải làm chủ, chuyển giao các công nghệ mới phù hợp như công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xanh giúp cho Việt Nam phát triển bền vững.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ: Hiện nay, điện Mặt Trời đã phát triển khá nhanh, điện gió cũng đã có sự thể hiện khá ấn tượng trọng năm 2021 nhưng công nghệ trong phát triển điện gió còn phụ thuộc phần lớn công nghệ nhập khẩu.
Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần triển khai các giải pháp để chủ động hơn trong xây dựng dự án, công nghệ xây lắp, sản xuất các thiết bị, linh kiện tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong phát triển năng lượng tái tạo, thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển điện gió ngoài khơi để góp phần tăng nguồn cung năng lượng.
Việt Nam cần tập trung cho nghiên cứu phát triển, từ việc điều tra, kỹ thuật, sản xuất, xây lắp… để từng bước nội địa hóa công nghệ, đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phát triển năng lượng sinh khối, địa nhiệt và kể cả trong tương lai xa hơn là thủy triều, sóng biển…
Cùng với việc sản xuất nguồn năng lượng tái tạo, để tích hợp lượng lớn năng lượng tái tạo lên lưới điện, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng ngoài việc phát triển lưới điện thông minh, các công nghệ liên quan đến tích trữ năng lượng cũng là tương lai, định hướng tốt cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Khi phát triển năng lượng tái tạo ở mức cao, trong tương lai có thể nghĩ tới việc sản xuất hydro, công nghệ sản xuất tích trữ, lưu trữ hydro./.
Nguồn: Báo xây dựng