Cần thêm cơ chế và nguồn lực
Nhà ở xã hội vốn là bài toán để giải quyết vấn đề nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp song sau rất nhiều năm triển khai, rất nhiều người vẫn không thể “chạm” tới giấc mơ an cư. Suốt nhiều năm đi thuê nhà, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp vẫn mong ước có một ngôi nhà của chính mình để sinh sống ổn định hơn. Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, có các quy định về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị tham gia đầu tư nhà ở xã hội như: Hưởng chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm một số loại thuế; trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho dự án phát triển nhà ở xã hội… Ðối với người mua, đã có chính sách hỗ trợ lãi suất, thời gian trả tiền vay kéo dài nhiều năm…
Khu nhà ở cho công nhân ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Mai Quý |
Tại tọa đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội 5 sao”, hướng tới giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam, do Tập đoàn Apec tổ chức, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn APEC chia sẻ, hiện nay có một thực tế là nhà ở thương mại cho người giàu thì dư thừa, nhà ở cho người thu nhập thấp thì thiếu trầm trọng.
Theo ông Huy, sau tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề nhà ở xã hội trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hàng triệu người lao động di cư ngược từ các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh quay trở về quê hương của họ là những vùng nông thôn, miền núi. Đây là vấn đề mà toàn xã hội cần chung tay giải quyết.
Tương tự, bàn về các giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch APEC Group cho biết, thay vì thực hiện những dự án thương mại mang lại lợi nhuận cao hơn, Tập đoàn APEC sẵn sàng dùng quỹ đất hiện có để làm nhà ở xã hội 5 sao với mục đích người thu nhập thấp cũng có nhà ở với nhiều tiện ích. Hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung sản phẩm ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu ngày càng tăng cao.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay theo tính toán, nhà ở xã hội mới phục vụ được chưa tới một nửa nhu cầu của người thu nhập thấp, bởi có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân lao động thời gian qua được Chính phủ đặc biệt quan tâm và có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư, song kết quả vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, cần có cả nguồn lực để trợ lực phát triển nhà ở xã hội.
“Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế chính sách và gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân khu công nghiệp trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Cụ thể, gói tín dụng cấp bù lãi suất 15.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tôi cho rằng đây là kiến nghị rất tốt”, ông Lực cho biết.
Có thể thấy, hiện nay, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Do vậy, để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này vẫn cần linh hoạt thêm các cơ chế, nguồn lực./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô