Cần bổ sung nhiều nội dung quy định liên quan hoạt động phân loại rác tại nguồn

Cần bổ sung nhiều nội dung quy định liên quan hoạt động phân loại rác tại nguồn

Hà Hồng (Thực hiện) –  Thứ năm, 16/12/2021 15:00 (GMT+7)

Đối với Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam đã đóng góp 40 ý kiến liên quan hoạt động của các hội thành viên, trong đó có nhiều ý kiến về phân loại rác tại nguồn.

Ngày 8/11/2021, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Hiệp hội) gửi công văn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiệp hội đã đóng góp 40 ý kiến liên quan hoạt động của các hội thành viên, trong đó có nhiều ý kiến về phân loại rác tại nguồn.

Ngày 2/11/2021 lãnh đạo Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Hiệp hội), giám đốc công ty môi trường thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, và lãnh đạo Tạp chí Môi trường và Đô thị đã có cuộc họp trực tuyến để tập hợp ý kiến đóng góp của các đơn vị thành viên vào bản Dự thảo Nghị định quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo Nghị định). GS. TSKH Nguyễn Văn Liên Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp. Ngày 8/11/2021, Hiệp hội đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định. Công văn có hai phần chính: phần một các ý kiến đóng góp chung; phần hai các ý kiến đóng góp cụ thể vào các khoản, điều của Dự thảo Nghị định.

Trong phần một, ngoài việc góp ý kiến về các lỗi “đánh máy” trong văn bản, hay những điều khoản hàm chứa nội dung “xin cho”, “bao sân”, Hiệp hội đã có ý kiến cụ thể: Nghị định cần bổ sung hướng dẫn điều khoản về công tác phân loại rác tại nguồn và việc thu phí thu gom rác theo khối lượng.

Trong phần hai, phần đóng góp ý kiến Hiệp hội có 40 ý kiến cụ thể, trong đó có nhiều ý kiên liên quan việc phân loại rác tại nguồn. Cụ thể như sau:

Điều 3:

Đối với các cụm từ ngữ “tái sử dụng chất thải”, “sơ chế chất thải”, “sơ chế phế liệu”, “tái chế chất thải”, “xử lý chất thải” được trình bày trong Điều 3.

Ý kiến của Hiệp hội: cần xem xét yếu tố các doanh nghiệp, người dân sử dụng các “chất thải” từ quá trình sản xuất này để làm “nguyên liệu” cho quá trình sản xuất khác thì được phân loại vào nhóm nào để xác định thủ tục môi trường cho phù hợp?

Theo chúng tôi trong định nghĩa các cụm từ nêu trên cần có nội dung nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phân loại rác trong nền kinh tế tuần hoàn.

tm-img-alt
Rác chưa được phân loại tại bãi rác Nam Sơn (Hà Nội)

Điều 38:

+ Khoản 2 quy định:

Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm và tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng, liên tỉnh.

Ý kiến của Hiệp hội: Không chỉ áp dụng thử nghiệm mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng, liên tỉnh cho chất thải rắn sinh hoạt mà còn thực hiện cho tất cả các loại chất thải rắn khác.

Theo chúng tôi kiến nghị nói trên của Hiệp hội đã đề cập một vấn đề rất thời sự là khi chất thải y tế quá lớn (chất thải của người bệnh F0) tại khu cách ly tập trung cũng như tại hộ gia đình vượt công suất xử lý của địa phương (bằng phương pháp đốt hoặc hấp) thì xử lý thế nào? Một số thành phố trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” số người bệnh F0 tăng mạnh đã phải đào các hố chôn lấp đặc biệt. Việc làm này cần được tổng kết đánh giá, xây dựng quy trình cụ thể để nhân rộng khi có tình huống tương tự xảy ra.

+ Khoản 3 quy định:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương chủ động lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn cho phù hợp.

Ý kiến của Hiệp hội: Đề xuất bổ sung: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, điều kiện kinh tế – xã hội, …” để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Điều 39:

+ Khoản 1, Điểm a quy định:

Thông qua giá bán bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt. Giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và một phần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ý kiến của Hiệp hội: Đề xuất xem lại nội dung này vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại tại Điều 79, Khoản 6 Luật số 72/2020/QH14 Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 40:

Phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt mà chính quyền địa phương chi trả cho cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ý kiến của Hiệp hội: Tiêu đề có đề cập, nhưng nội dung chưa hướng dẫn chi tiết cho phần tính toán chi phí thu gom và vận chuyển.

Đối với các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có sản xuất ra sản phẩm như đốt rác phát điện, sản xuất phân compost (có doanh thu từ hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt) thì có phải trừ đi phần doanh thu này không hay để khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tư công nghệ xử lý có tạo ra sản phẩm hữu ích vì trong tương lai hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, chủ nguồn thải chi trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ngân sách không chi trả.

Điều 53:

Theo Khoản 4 Điều 53 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu Chính phủ quy định chi tiết về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng. Tuy nhiên, Điều 62 Dự thảo Nghị định chỉ quy định chung là khoảng cách an toàn phải tuân thủ theo các quy định chuyên ngành hoặc quy hoạch xây dựng.

Ý kiến của Hiệp hội: Việc quy định như vậy là chưa rõ theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nên đề nghị cần chi tiết hóa hơn về nội dung của quy định này.

Tại Khoản 1 Điều 53 quy định “Khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu từ nguồn phát thải trong điều kiện hoạt động bình thường của cơ sở sản xuất và kho tàng thuộc danh mục theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Nghị định này đến ranh giới công trình nhà ở hợp pháp gần nhất của khu dân cư nông thôn tập trung, nội thành, nội thị của các đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị để đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường”.

Ý kiến của Hiệp hội: Trường hợp dự án có diện tích rộng, có nhiều nguồn thải thì dựa vào nguồn thải nào để xác định khoảng cách an toàn? Trường hợp, nếu xác định được khoảng cách an toàn thì diện tích đất thuộc khu vực an toàn đó cần phải quy định chủ dự án được sử dụng vào mục đích gì để tránh lãng phí?

Nếu áp dụng quy định này thì việc xây dựng các trạm trung chuyển rác trong thành phố sẽ bị “phá sản” bởi các trạm trung chuyển thường gần sát nhà dân. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thay vì quy định về khoảng cách thì quy định về các thông số kỹ thuật về mùi nước thải, tiếng ồn… Với công nghệ cao, hiện đại nếu đáp ứng được các thông số kỹ thuật, các trạm trung chuyển có thể được xây dựng trong thành phố. Với cách khống chế bằng các thông số kỹ thuật, Mỹ đã thành công trong việc xây dựng các trạm trung chuyển rác nhờ đó mà giải quyết được ba bài toán. Thứ nhất. tăng tỷ lệ rác được phân loại, tạo nguồn nguyên liệu có giá trị cho ngành công nghiệp tái chế. Thứ hai, giảm số lượt xe chuyên chở rác chạy trên đường nhất là trong thành phố. Thứ ba giảm khối lượng rác phải chôn lấp (do rác đã được đóng thành bánh).

Dự thảo Nghị định cần bổ sung nhiều nội dung liên quan hoạt động phân loại rác tại nguồn - Ảnh 2
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, công suất 4000 tấn / ngày chậm đưa vào sử dụng ngần một năm (mới lắp được 85% thiết bị)

Điều 56:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 thì “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và các hiệp hội ngành nghề trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất”. Tuy nhiên tại Khoản 1 Điều 56 thì “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo từng thời kỳ phát triển của đất nước”.

Ý kiến của Hiệp hội: Đề nghị thống nhất lại đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị khác để lập, điều chỉnh, bổ sung Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Điều 57:

Đối với Khoản 1 Điều 57

Ý kiến của Hiệp hội: Đề nghị đối với các cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường thì Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và giao cho Cục Bảo vệ môi trường các miền thuộc Tổng cục Môi trường “tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Điều 61: Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ý kiến của Hiệp hội: Bổ sung Điểm a, Khoản 1: Chi phí vận hành, duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp từng công nghệ xử lý, trong đó:

+ Phương pháp chôn lấp: Theo Quyết định 592/BXD ngày 30/5/2014 cần bổ sung thêm chi phí bạt che phủ ngăn nước mưa và chi phí xử lý nước rửa xe.

+ Phương pháp tái chế/ Phương pháp đốt : Bộ Xây dựng chưa ban hành định mức chi phí xử lý, đề nghị bổ sung định mức xử lý theo từng công nghệ.

Điều 66:

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

Khoản 1 Điều 66 của Dự thảo Nghị định quy định “Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Ý kiến của Hiệp hội: Trên thực tế tại các địa phương chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được bù đắp thông qua ngân sách địa phương, nên việc quy định khối lượng dưới 300 kg/ngày là rất lớn (tương đương khoảng số lượng công nhân viên khoảng 300 người, nếu tính mỗi người phát sinh khoảng 01kg/ngày, theo đó quy mô hoạt động không phải là quy mô của hộ gia đình).

Do đó, đề nghị điều chỉnh lại khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đối với Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Cần xem xét, chỉnh sửa lại nội dung tại Khoản 1 Điều 66 vì khi chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân sẽ ảnh hưởng đến cơ chế giá xử lý chất thải sinh hoạt. Đề nghị tính riêng mức phí đối với doanh nghiệp dù đó là chất thải rắn sinh hoạt (giống như điện cho sản xuất và điện cho sinh hoạt). Không tính hạn mức 300k/ngày.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phải có trách nhiệm tự phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Tuy nhiên, nên quy định hệ số quy đổi sao cho phù hợp để các bên dễ dàng thực hiện

Ý kiến của Hiệp Hội: Khoản 3 Điều 66 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 69, xác định nguồn thu, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chưa rõ ràng, tách bạch giữa cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức hay hộ gia đình,… giá dịch vụ và hợp đồng dịch vụ, nguồn chi cho hoạt động này là ngân sách địa phương bù đắp? Cần xác định có bao nhiêu cá nhân, hộ gia đình thực tế của địa phương rồi sau đó mới xác định khoản thu phí hợp lý, tránh tình trạng khoán trắng cho doanh nghiệp không bảo đảm nguồn thu bù đắp chi phí.

Khoản 1 và 2 Điều 66 về định giá khối lượng rác thải sinh hoạt nên phân loại theo đô thị và nông thôn vì lượng rác của 2 khu vực sẽ khác nhau về khối lượng, quãng đường thu gom, loại rác, điều kiện hạ tầng… do đó chi phí bỏ ra cho công tác thu gom sẽ khác nhau… đề nghị xác định giá của 2 khu vực này sẽ khác nhau phù hợp với điều kiện, chi phí bỏ ra.

Điều 69: Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chính quyền địa phương trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, và Điều 70: Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ý kiến của Hiệp hội: Về nguyên tắc chi phí thu gom tại Điều 69 cũng như giá dịch vụ Điều 70 được điều chỉnh theo Luật Giá và các luật liên quan khác không nên đưa vào Nghị định này.

Điều 91: “Nếu doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm tái chế bắt buộc hoặc trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, ngoài ra doanh nghiệp còn bị truy thu số tiền chi ra để tái chế phần tỷ lệ không đạt được, phạt thêm 30% số tiền bị truy thu và tăng 10% số tiền bị truy thu nếu tiếp tục không nộp trong lỳ tiếp theo”. Việc nộp các khoản tiền nêu trên phải được thực hiện trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, đối với việc phạt 30% nếu chậm nộp và tính thêm 10% nếu chậm nộp trong kỳ tiếp theo, Dự thảo Nghị định lại không có cơ chế để doanh nghiệp phản hồi, nếu Văn phòng EPR tính sai số tiền truy thu/tiền phạt/chậm nộp đó.

Ý kiến của Hiệp hội: Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do không đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, không có cơ sở pháp lý; làm tăng biên chế bất hợp lý; quy chế hoạt động có nhiều điểm trái với các luật hiện hành.

Điều 97: Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đưa các thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu lên nhãn sản phẩm hoặc sách hướng dẫn kèm theo sản phẩm, bao gồm: thông tin về thành phần nguyên liệu, vật liệu; hướng dẫn phân loại, thu gom, tái sử dụng, xử lý sản phẩm, bao bì. Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu phải sử dụng biểu tượng tái chế quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng ký, công bố trên bao bì của sản phẩm.

Ý kiến của Hiệp hội: Quy định này không chỉ gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp khi phải thay đổi toàn bộ nhãn sản phẩm mà còn trái thông lệ quốc tế và không phù hợp với Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá, trong đó quy định các thông tin chỉ là tự nguyện.

Phần phụ lục

Ý kiến của Hiệp hội: Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2022. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình cùng Chính phủ chống dịch. Nếu nghị định áp dụng vào ngày 1/1/2022 thì doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí (thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc sản xuất – kinh doanh, cũng như đã phát sinh rất nhiều khoản phí liên quan chống dịch). Hệ quả của việc phải tăng thêm chi phí tái chế theo nghị định này là doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá hàng hoá. Cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả hàng hoá đắt hơn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kép của Chính phủ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị giãn lộ trình thực hiện thêm ba năm cho đến tháng 1/2025.

+ Thêm vào đó, tỷ lệ thu hồi đối với bao bì quy định trong Phụ lục 55 của Dự thảo từ 80% đến 90% là quá cao, chưa phù hợp với thực tế hiện nay ở Việt Nam. Để đạt được tỷ lệ thu hồi này, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai, dự kiến phải mất từ 3 đến 5 năm. Vì vậy chúng tôi kiến nghị cần có lộ trình và tỷ lệ thu hồi phù hợp, khởi đầu là 40% sau đó cứ 3 năm tăng một lần, mỗi lần không quá 5%. Trước mắt ưu tiên thu gom, tái chế những sản phẩm, bao bì khó thu gom, gây tác hại lớn cho môi trường. Những bao bì có giá trị thương mại và tỷ lệ thu hồi cao như bao bì giấy, bao bì nhôm không gây độc hại cho môi trường nên được cân nhắc bỏ ra khỏi danh mục tái chế bắt buộc.

Phụ lục 55 (Mục 37) còn bắt buộc tái chế bao bì của thực phẩm và đồ uống thành các sản phẩm cụ thể như: giấy vệ sinh, giấy bìa, hợp giấy… Đây là quá trình chế biến thành các sản phẩm khác. Quá trình này thường đòi hỏi nguyên vật liệu tái chế phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau rồi mới ra được sản phẩm có tính thương mại như trên. Vì vậy chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo Nghị định xem xét lại quy cách tái chế ghi trong Phụ lục 55 của Dự thảo Nghị định, theo hướng bao bì được tái chế dùng làm nguyên liệu cho sản xuất thay vì phải tái chế sản xuất ngay thành những sản phẩm cụ thể.

Các kiến nghị bổ sung khác của Hiệp hội

Đối với Nội dung phân loại rác tại nguồn: Nội dung phân loại rác tại nguồn không đề cập tại Dự thảo Nghị định. Tuy nhiên theo Khoản 2 Điều 75 Luật BVMT: “2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.”

Ý kiến của Hiệp hội: Quy định bắt buộc phân loại chất thải rắn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên việc phân loại như thế nào phải phù hợp với công nghệ xử lý chất thải của từng địa phương và khu vực; nếu địa phương áp dụng công nghệ đốt thì việc phân loại chỉ tập trung phân loại đốt được và loại không đốt được; nếu địa phương áp dụng công nghệ sản xuất phân thì phân loại hữu cơ, vô cơ,…

Nội dung Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT: “1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại như sau:”, Luật Bảo vệ môi trường quy định: “1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:”.

Như vậy với địa phương áp dụng công nghệ đốt rác, nếu thực hiện đúng nguyên tắc phân loại thì khi xử lý lại đốt chất thải thực phẩm với các loại rác đốt được khác, gây lãng phí và phản ứng ngược; nếu không thì lại sai nguyên tắc của Luật. Cần bổ sung nội dung phân loại vào Dự thảo Nghị định, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện theo đúng quy định và đảm bảo hiệu quả.

Hiện nay hầu hết các địa phương đều đã ban hành mức giá thu dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt đối với hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh… áp dụng đối với khu vực nông thôn và thành thị, tuy nhiên vẫn còn 1 vài bộ phận chưa chấp nhận mức thu này. Có địa phương thực hiện đấu thầu thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt có kèm theo mức thu giá dịch vụ vệ sinh, đơn vị trúng thầu phải thực hiện thêm công đoạn thu tiền dịch vụ vệ sinh nhưng có 1 vài bộ phận không chấp nhận mức giá này và không chịu đóng tiền dịch vụ mà đơn vị thu không thể áp dụng các biện pháp chế tài được (không giống như dịch vụ điện, nước sạch sinh hoạt có thể có chế tài bằng biện pháp cắt điện, nước…) dẫn đến thất thoát khá nhiều. Bởi vậy, Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung thêm khung giá chung để thống nhất trong cả nước (làm cơ sở để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê chuẩn việc ban hành đơn giá thu, tránh tình trạng so sánh giữa các địa phương).

* Về giải thích từ ngữ: Tên gọi “đóng góp” là không phù hợp mà phải gọi đúng tên là Phí bảo vệ môi trường cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020 để mức thu và cơ chế quản lý thu chi được quản lý theo Luật phí và Lệ phí, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch.

Từ các Điều 88 đến 189, Dự thảo quy định doanh nghiệp “đóng góp tài chính” vào quỹ bảo vệ môi rường để tái chế bao bì. Nếu gọi “đóng góp” thì phải là tự nguyện, nhưng Hiệp hội cho rằng đây là khoản thu bắt buộc được tính dựa trên công thức cụ thể và được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là Phí bảo vệ môi trường. Bản chất đây là một loại phí tương tự như Phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hay phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản nên cần phải sử dụng tên gọi cụ thể cho khoản đóng góp này. Tên gọi đó có thể là “Phí bảo vệ môi trường đối với việc tái chế bao bì” và phí này phải chịu sự điều chỉnh của Luật phí và Lệ phí để việc thu chi được công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích