Xoay đủ nghề để trang trải cuộc sống

Tranh thủ làm thêm

Thời gian gần đây, ngoài công việc chính là công nhân may ở Công ty TNHH May Mặc Việt Pacific, chị Khuất Thị Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) còn buôn bán online các loại quần áo, mỹ phẩm để có thêm thu nhập.

Chồng đã nghỉ hưu, lại mắc bệnh nặng cần thuốc thang, điều trị; con trai còn nhỏ nên gánh nặng kinh tế gia đình dồn cả lên vai chị Khuất Thị Hà. Đồng lương công nhân may của chị Hà bình thường vốn đã thấp, năm nay, do dịch bệnh, Công ty phải cho giãn việc, có thời gian phải nghỉ việc hoàn toàn để phòng, chống dịch nên thu nhập của chị càng giảm sút hơn.

Xoay đủ nghề để trang trải cuộc sống
Chị Khuất Thị Hà Công ty TNHH May Mặc Việt Pacific có chồng mắc bệnh nặng, con nhỏ, nên phải xoay xở làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và chuẩn bị lo Tết.

“Trước đây, chúng tôi còn tăng ca, làm thêm nhưng giờ thì không,vì thế ngoài mức lương chính thức được khoảng 5,6 triệu đồng/tháng tôi không có khoản thu nhập nào khác. Về tiền Tết, mọi năm Công ty đều chi tháng lương thứ 13 và có thưởng chuyên cần, năm nay, đến giờ này chưa thấy Công ty công bố, nhưng tôi nghĩ thời gian làm việc ít vậy chắc không được thưởng chuyên cần, còn tháng lương thứ 13 nếu có cũng chẳng thấm vào đâu so với chi tiêu ngày Tết, thế nên tôi và nhiều công nhân khác buộc phải làm thêm để lo cuộc sống” – chị Hà cho biết.

Công việc bán hàng online tuy không nặng nhọc nhưng cũng đòi hỏi chị Hà phải tập trung nhiều thời gian. “Tôi phải học cách chụp ảnh sao cho đẹp, viết lời sao cho cuốn hút rồi tranh thủ giờ nghỉ trưa và các buổi tối, ngày nghỉ đăng lên zalo, facebook. Vì bán hàng thời trang nên tôi còn phải chịu khó tìm hiểu, cập nhật xu hướng thời trang, nâng cao gu thẩm mĩ để có thể tư vấn cho khách hàng, tăng số lượng khách đặt hàng, chốt đơn và khi có người đặt hàng thì phải trực tiếp đi giao để đỡ tốn công vận chuyển…” – chị Hà kể.

Cũng theo chị Hà, thu nhập tăng thêm từ công việc bán quần áo online không đáng bao nhiêu nhưng với chị, thêm được đồng nào quý đồng đó, từ đó chịcó thêm một khoản để chi tiêu trong gia đình và tới đây có thể sắm sửa một cái Tết đủ đầy cho chồng con được vui.

Cũng như chị Hà, để có thêm thu nhập trong thời buổi khó khăn, những ngày này, chị Nguyễn Hằng, công nhân Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy Lợi sông Đáy (quận Hà Đông, Hà Nội) ngoài làm công việc chính ở Công ty còn nhận sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà. Chồng chị Hằng là thợ cơ khí, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, công việc của anh ổn định với mức lương 9-10 triệu đồng/tháng.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, công việc của anh lúc có, lúc không, lương giảm xuống chỉ còn trên 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương chính của chị Hằng ở Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy Lợi sông Đáy cũng ít ỏi mà hai con còn nhỏ đang tuổi ăn học nên cuộc sống vô cùng khó khăn. “Tôi đã phải tự đi học thêm nghề sửa chữa đồ điện gia dụng để làm thêm buổi tối tại nhà, công việc này giúp tôi có thêm khoảng 3 triệu đồng/tháng.Nhiều đồng nghiệp khác của tôi cũng phải đi làm thêm các công việc như lau dọn nhà, phụ bán hàng ăn, hàng tạp hóa để có thêm thu nhập, mong Tết này được đủ đầy” – chị Hằng cho biết.

Tận dụng ngày nghỉ

Sau 5 ngày làm việc toàn thời gian ở Công ty cổ phần dược phẩm công nghệ cao Navita (đặt tại đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên văn phòng của Công ty này, lại dành hai ngày cuối tuần để đi phụ bán hàng cho một cửa hàng tạp hóa cũng gần đó. Quê ở Hà Nam, vợ chồng chị Hải phải thuê nhà trọ ở Hà Nội để lập nghiệp.

“Bình thường, lương của em được hơn 5 triệu, năm nay, do dịch bệnh, Công ty cho nghỉ việc giãn cách nên thu nhập giảm sút. Chồng em cũng vậy, thu nhập ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh trong khi đó con em còn nhỏ, mẹ già ốm đau phải chữa bệnh thường xuyên, nhà cửa phải thuê mướn nên ngoài công việc chính, cả hai vợ chồng đều cố gắng làm thêm” – chị Hải cho biết. Theo chị Hải, việc bán hàng tạp hóa khá vất vả đối với một phụ nữ chân yếu tay mềm chủ yếu quen việc văn phòng.

Đặc biệt, trong thời gian cận Tết, hàng phục vụ ngày Tết dồi dào, người bán hàng nhiều khi phải nhập hàng, cất hàng, đòi hỏi trèo cao, bê vác nặng như bê thùng bia, nước ngọt, bánh kẹo…, chân tay phải hoạt động thường xuyên. “Nhiều hôm đi làm về là người mỏi nhừ, chân tay đau nhức, thế nhưng em vẫn cố gắng, vì mỗi ngày đi làm được thêm 500 ngàn đồng, hai ngày được 1 triệu, cũng là khoản thu nhập tăng thêm đáng kể, nhất là trong dịp năm hết, Tết đến chi tiêu đắt đỏ thế này” – chị Hải nói.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Hiền – giáo viên một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội lại chọn chính công việc thuộc chuyên môn của mình để làm thêm trong những ngày này, đó là việc trông trẻ. Cô Hiền kể, từ tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, học sinh không thể đến trường, cô và các đồng nghiệp lâm cảnh thất nghiệp.

“Ban đầu em chỉ nghĩ tạm thời nghỉ việc trong một hai tháng, mà từ đó đến nay, đã hơn 7 tháng, chúng em chưa thể đi làm trở lại, đồng nghĩa với việc từng đấy thời gian cuộc sống khó khăn vì không có thu nhập” – cô Hiền tâm sự. Theo cô Hiền, để trang trải cuộc sống, bản thân cô và các đồng nghiệp đã xoay đủ nghề: Người bán hàng online, người đi lau dọn, giúp việc gia đình.

“Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể biết thời gian nào học sinh mà nhất là học sinh mầm non có thể đi học trở lại, trong khi đó, các phụ huynh vẫn phải đi làm, vì thế việc gửi trẻ là nhu cầu cấp thiết của nhiều gia đình. Em đã nhận tới gia đình trông giúp một cháu bé để có thêm thu nhập” – cô Hiền cho biết. “Công việc gần gũi với chuyên môn, lại có thêm thu nhập nên em rất vui, tạm quên đi khó khăn trước mắt. Hy vọng dịch bệnh mau qua để cuộc sống ổn định trở lại”- cô Hiền bày tỏ. Cô cũng cho biết, thời gian tới, khi gần Tết hơn nữa, ngoài việc đi trông trẻ, cô sẽ bán thêm bưởi và một số loại hoa quả ngày Tết để có thêm thu nhập./.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích