Chuẩn bị là đô thị trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa sẵn sàng nói không với “loạn” giá đất

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Khánh Hòa sẽ là đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030. TP. Nha Trang là hạt nhân của chiến lược phát triển trong lộ trình đi lên đô thị Trung ương của tỉnh, do đó, Khánh Hòa cần có đề án, gấp rút xây dựng đô thị vệ tinh.

Khánh Hòa sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030

Mới đây, UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao các bộ, ngành để Khánh Hòa giải trình xin xây dựng đô thị Cam Lâm trở thành đô thị sân bay, với tầm cỡ khoảng 700.000 dân, nghĩa là gần gấp đôi TP. Nha Trang hiện nay.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cùng các tập đoàn lớn đã đề xuất đầu tư tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, sau khi các nhà đầu tư chiến lược vào làm việc với tỉnh và đề xuất các ý tưởng thì đã xảy ra tình trạng “loạn” giá bất động sản tại một số địa phương.

Đây là điều đã từng xảy ra tại Vạn Ninh – nơi được quy hoạch thành khu kinh tế Vân Phong. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị lãnh đạo các địa phương phải tuyên truyền để người dân hiểu được các chính sách phát triển đô thị, công nghiệp, tránh những xào xáo trong nội bộ nhân dân.

Có tình trạng “loạn” giá đất khi các tập đoàn xin đầu tư vào Khánh Hòa

Ông Tuân dẫn chứng như vùng Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Trung, Ninh Thượng… của thị xã Ninh Hòa, khi có nhà đầu tư đề xuất xây dựng khu công nghiệp thì lập tức có sự mua bán, chuyển nhượng đất đai, gây khó khăn trong sản xuất mùa vụ. Ông Tuân đề nghị lãnh đạo các địa phương trong tỉnh phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ để tránh tình trạng “loạn” giá đất. Quan điểm của tỉnh là Ninh Hòa phải giữ được diện tích trồng mía để phục vụ cho các nhà máy đường và đảm bảo cho ngư dân, diêm dân có điều kiện để sản xuất muối. Khi thực hiện các quy hoạch, nhà tư vấn đều đề xuất giữ lại một phần diện tích để duy trì sản xuất mía đường và sản xuất muối.

Cũng tại kỳ họp, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Khánh Hòa đang khẩn trương hoàn thành 3 quy hoạch quan trọng gồm: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo lộ trình, đầu năm 2022 sẽ hoàn chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong và TP. Nha Trang, sau đó sẽ có báo cáo phê duyệt quy hoạch toàn tỉnh Khánh Hòa.

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) được quy hoạch thành đô thị sân bay

Vừa qua, Khánh Hòa đã tiếp cận nhiều nhà đầu tư chiến lược và lãnh đạo tỉnh giới thiệu danh mục kêu gọi đầu tư để nhà đầu tư tìm hiểu theo định hướng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ… Khu vực Vân Phong sắp tới sẽ xem xét lựa chọn nhà thầu 3 dự án lớn.

“Đầu tiên là Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng khoảng 300ha thuộc một phần huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Khi 2 địa phương này phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xin ý kiến và báo cáo Thủ tướng để khởi công dự án. Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang xem xét lựa chọn nhà đầu tư 2 khu đô thị đã được quy hoạch 1/2.000, là Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa 660ha và Khu đô thị Mũi Đá Son 160ha. Tỉnh quyết tâm trong quý I/2022 sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai ngay. Đối với các dự án khác, sau khi hoàn chỉnh quy hoạch sẽ tiếp tục kêu gọi, mời thầu, đấu thầu để tìm ra những nhà đầu tư có tiềm lực”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ bản và đưa vào hoạt động các công trình trọng điểm như: Đường vành đai 2, nút giao thông Ngọc Hội, các tuyến đường nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang, đường tỉnh lộ 2 và 3, đường D30 kết nối đường 23/10 với đường Võ Nguyễn Giáp tại TP. Nha Trang…

Đồng thời, Khánh Hòa dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Vân Phong – Nha Trang trong năm 2022. Đến 2023, Khánh Hòa hoàn thành tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Như vậy trong nhiệm kỳ này (2021 – 2026), Khánh Hòa sẽ có 2 cao tốc là Vân Phong – Nha Trang và Buôn Ma Thuột – Nha Trang, sau năm 2030 là cao tốc Nha Trang – Liên Khương và đường sắt cao tốc Nha Trang – TP.HCM. Một số dự án hạ tầng khác như: Cầu Xóm Bóng, kè Sông Cái, tiểu dự án thành phố Duyên hải miền Trung cũng sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này. 

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích