Shophouse ế khách thuê

(TN&MT) – Đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến hầu hết phân khúc bất động sản (BĐS) gặp khó. Trong đó, sản phẩm shophouse (nhà phố thương mại) tại các dự án căn hộ càng thêm ế ẩm.

Ảnh minh họa

Shophouse bắt đầu “nở rộ” trên thị trường BĐS từ năm 2015. Với đặc tính có thể vừa sử dụng để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, shophouse đã được các nhà đầu tư săn đón. Ở những dự án khu đô thị, chung cư,…, chủ đầu tư thường để dành những vị trí đẹp gần các trục đường chính, lối ra vào… để xây dựng các căn shophouse. Do đó, giá bán hay thuê của shophouse luôn cao hơn nhiều so với căn hộ, nhà ở. Song, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước và kéo dài đến nay, shophouse cho thuê trở nên ế ẩm, thậm chí nhiều chủ đầu tư giảm đến 50% giá nhưng vẫn không có người thuê.

Dạo quanh các khu căn hộ ở TP.HCM từ quận Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 2, quận 4… sẽ dễ thấy shophouse tại các dự án đều cùng số phận ế ẩm. Chị Ngọc, chủ một cửa hàng quần áo thời trang ở quận Tân Bình cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cửa hàng của chúng tôi buôn bán rất ế ẩm. Với chi phí thuê mỗi tháng gần 20 triệu đồng, chưa kể còn tiền lương nhân viên, chúng tôi không “gánh” nổi. Vì thế, chúng tôi đã trả shophouse và chọn phân khúc nhà thuê để giảm tối đa chi phí”.

Anh Tuấn, chủ căn shophouse ở một dự án căn hộ tại quận Gò Vấp cho hay, giá thuê ở đây rất rẻ, chỉ hơn 15 triệu đồng/tháng với căn shophouse có mặt tiền đường chính, rộng hơn 50m2 nhưng giao dịch vẫn èo uột. “Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, khách cứ lần lượt trả mặt bằng. Các shophouse này chủ yếu kinh doanh BĐS, kinh doanh cà phê, quán ăn, ế khách vài tháng là họ phải đóng cửa”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo giới phân tích thị trường, việc kinh doanh ế ẩm hay shophouse bị bỏ trống do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung, do thói quen mua sắm của người dân hiện vẫn còn chưa thay đổi. Tuy nhiên, nghịch lý đang xảy ra ở thị trường shophouse là ế khách thuê nhưng vẫn hút khách mua, giá thuê trên đà giảm, nhưng giá bán vẫn neo cao, thậm chí tăng lên. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua shophouse, chấp nhận bỏ trống hoặc không khai thác. 

Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam nhận định, đối với các nhà đầu tư, việc khai thác cho thuê shophouse chỉ là thứ yếu, còn việc nắm giữ tài sản và khả năng tăng giá trị tích lũy lâu dài là mục tiêu hàng đầu. Với chủ nhà, sự kỳ vọng nguồn thu từ cho thuê shophouse thường không đáng kể, chỉ là bổ trợ trong bài toán đầu tư. Bởi lẽ người sở hữu tài sản này nhắm đến mục tiêu tăng giá nhà trong dài hạn hơn là thu tiền thuê hàng tháng. 

Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, shophouse chỉ thật sự hấp dẫn, có giá khi thị trường tốt, dự án tốt và khả năng lấp đầy nhanh, các tiện ích dịch vụ tốt, cư dân trong nội khu đủ đông và có sự kết nối tốt với cộng đồng cư dân bên ngoài. Shophouse chỉ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn. Vì thế, giá bán của chủ đầu tư vốn đã cao ngất ngưởng, nhưng giá thứ cấp vẫn không ngừng tăng. Song, dù giá tăng “phi mã” thì dòng sản phẩm này vẫn thuộc dạng mua rồi để đó. 

“Nhiều shophouse có lượng khách ngoại khu không cao do thiếu tính kết nối với không gian thương mại bên ngoài. Bên cạnh đó, vì lý do an toàn một số dự án hạn chế cư dân bên ngoài vào khiến việc kinh doanh shophouse không tốt. Chưa kể, nếu dự án có thiết kế chỗ dừng, đậu xe bố trí không phù hợp, khó thu hút đông khách mua sắm cũng có thể là rào cản lớn cho suất đầu tư shophouse” – bà Dung phân tích.

Bạn cũng có thể thích