Để khởi nghiệp sáng tạo thể hiện được vai trò tiên phong

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được ứng dụng mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc sự kiện chương trình “Dấu ấn Techfest và Whise 2021” trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Việt Nam 2021), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Techfest được tổ chức vào cuối năm là dịp để tổng kết, đánh giá, báo cáo lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước diễn ra trong năm và để được lắng nghe chỉ đạo về định hướng phát triển trong các năm tiếp theo.

Ông cho rằng, việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, đồng thời, cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường “bình thường mới”.

“Trong bối cảnh bình thường mới, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của kinh tế-xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã tạo được nhiều dấu ấn đáng tự hào.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc chương trình.

Theo Bộ trưởng, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay). Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;…

Ông cho biết, hiện Việt Nam đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Một mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ đã được thiết lập. “Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới”, ông nói.

Kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước

Trong phiên thảo luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ về chính sách tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ông cho biết, Bộ KH&CN được Chính phủ giao là đầu mối phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung một số nội dung của đề án 844 cho phù hợp với thực tế. Ông cho rằng, nếu không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ tại chương trình.

“Hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn các đơn vị để có các thông tư hướng dẫn cụ thể đảm bảo hệ sinh thái hoạt động hiệu quả”, ông Tùng nói. Trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ làm việc kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp với nhà đầu tư. Đến 2021, chúng tôi chọn cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, người làm khởi nghiệp có ý tưởng để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, nhưng năng lực không đủ, nên cần đến các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. “Chúng tôi đã kết nối với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp đi cùng với các startup hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp”, Thứ trưởng nói.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích