Lý luận và thực tiễn

Lý luận và thực tiễn

MTĐT –  Thứ hai, 13/12/2021 14:33 (GMT+7)

Cùng với đô thị Thủ Đức thuộc TP HCM đã được phê duyệt trở thành TP năm 2020, tiến tới Hà Nội cũng có thể sẽ có mô hình “TP trong TP”.

Thành phố (TP) Hà Nội đang có dự kiến về việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo định hướng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành TP. Như vậy, cùng với đô thị Thủ Đức thuộc TP HCM đã được phê duyệt trở thành TP năm 2020, tiến tới Hà Nội cũng có thể sẽ có mô hình “TP trong TP”. Vấn đề này đang được sự quan tâm của cả các nhà chuyên môn và xã hội về khái niệm, tính khả thi cũng như các vấn đề nội hàm quy hoạch. Bài viết này xin chia sẻ một số quan điểm về lý luận và thực tiễn của mô hình này.

Khái niệm quy hoạch “TP trong TP” trong cấu trúc đô thị

Tại Việt Nam, có 3 cấp đô thị đều được gọi tên là TP gồm: Đô thị loại II, loại I và loại đặc biệt. Với tiếng Việt, cụm từ “TP trong TP” là đa nghĩa, đa phạm vi, đa tính chất, dễ lẫn giữa khái niệm của đô thị và khái niệm hành chính. Vì vậy, cần được làm rõ khái niệm này trong khái niệm cấu trúc đô thị.

* Khái niệm Cấu trúc đô thị đa cực- đa trung tâm

Trong các lý luận về cấu trúc đô thị, cấu trúc đô thị được chia làm 2 nhóm chính là cấu trúc đơn cực (monocentric city) và cấu trúc đa cực (polycentric city).

Khái niệm đô thị đơn cực (monocentric city) được đưa ra từ năm 1964 (bởi Alonso),(3) với định hướng này TP có một trung tâm, gọi là các CBD (center business district) và đã trở thành xu hướng quy hoạch được phát triển rộng rãi giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, với sự mở rộng liên tục của đô thị lớn, cấu trúc đơn cực cũng tạo nên vấn đề quá tải về hạ tầng, giao thông tắc nghẽn, mật độ dân cư cao ở đô thị lõi, chất lượng môi trường sống giảm sút do ít không gian mở.

Từ giữa và cuối thế kỷ 20, với sự phát triển của các trung tâm tạo việc làm mới, một đô thị có thể có 2 hoặc nhiều CBD, ngoài ra nhiều khu vực dân cư và các trung tâm dịch vụ đã được xây dựng vượt ra ngoài trung tâm CBD truyền thống của các đô thị lớn (mega city) hình thành nên xu hướng phát triển của TP đa cực (polycentric city)

Khái niệm về cấu trúc “đô thị đa cực” ra đời từ hậu chiến tranh thế giới thứ nhất, liên quan đến việc phát triển các khu vực” Freeway stage- Khu vực gần đường cao tốc” tại ngoại ô của các đô thị Bắc Mỹ (Muller 1981; Knox &McCarthy 2005)(3). Từ những năm 1970-1980, thuật ngữ Đa cực trung tâm đã được dùng phổ biến là” Polycentric city” với ý nghĩa đó là các cực phát triển.

GS.Piotr Zaremba trong cuốn sách: “Hệ thống hóa cấu trúc đô thị và môi trường con người” năm 1976 (1) đã đưa ra các dạng cấu trúc đô thị trong đó đã có nhiều mô hình của cấu trúc đa cực, đa trung tâm.

Muller (1981) đã đề xuất khái niệm cấu trúc: Đô thị lớn nhiều trung tâm (Multi-centered Metropolis) với quá trình tự độc lập ở vùng ngoại ô, tự phát triển ngoài trung tâm lõi. Tại vùng ngoại ô không chỉ là sự phát triển dân cư nữa mà còn là sự phát triển các hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí… Thêm vào đó, Garreau (1991) cũng đẩy xa hơn quan điểm về “TP vùng rìa – Edge City ” như một cấu trúc không gian đa cực, thường đặt ở gần các nút giao của giao thông đối ngoại, một TP vùng ngoại ô với các tòa nhà văn phòng và hạ tầng thương mại lớn. (2)

Hiện nay, trên thế giới xu hướng này đã trở thành phổ biến, từ các đô thị châu Âu, châu Mỹ đến chấu Á… cấu trúc đa cực song song hình thành cùng với sự mở rộng của đô thị lớn như là một xu hướng tất yếu.

Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc

A: Đô thị một trung tâm B: Đô thị nhiều trung tâm C:Đô thị đa cực-đa trungSơ đồ so sánh cấu trúc đô thị một trung tâm, nhiều trung tâm và đa cực-đa trung tâm

Các loại cấu trúc đô thị đa cực, đa trung tâm.

Có nhiều mô hình cấu trúc quy hoạch theo xu hướng phát triển đa cực hoặc là đa trung tâm có các yếu tố phát triển tạo thị đi kèm. Cấu trúc đa cực, đa trung tâm có thể được thiết lập trong phạm vi đô thị, vùng đô thị hoặc trong một đô thị lớn với quan hệ giữa các khu trung tâm (CBD) và các khu vực trung tâm xung quanh (vùng ngoại ô, vùng mở rộng), thậm chí là quốc tế (2). Mô hình cấu trúc “TP vườn – Garden city” của E. Howard (1898) với các đô thị vệ tinh cũng được coi là một dạng của cấu trúc đa cực.

Sơ đồ dưới đây mô tả các dạng đô thị có cấu trúc đa cực, đa trung tâm:

A. Đô thị cực lớn và các đô thị khác trong quan hệ vùng hoặc quốc tế (Polycentric region);B. Đô thị cực lớn và các đô thị vệ tinh, đô thị lân cận (Polycentric metropolis);C. Đô thị và các cực trung tâm khác thuộc đô thị (Polycentric city);

Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 2. Sơ đồ các dạng cực trung tâm theo quan hệ đô thị – vùng

Nếu xét riêng trong một đô thị lớn (Metropolis), thường có một số dạng cấu trúc sau:

  • Đô thị đa trung tâm, đa cực (polycentric, multy centrer): Đô thị có đô thị trung tâm (còn gọi là đô thị lõi) và các cực phát triển, các trung tâm mới. Cực phát triển có thể là một quận mới hoặc một đơn vị hành chính mới (thị trấn, thị xã, TP);
  • Đô thị có đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh: Các đô thị vệ tinh hình thành nhằm giảm tải về quy mô cho đô thị lớn, bảo vệ môi trường, là các đô thị có sự phụ thuộc vào đô thị lõi. Có khoảng cách nhất định (khoảng 30km). Có quan hệ giao thông con lắc, nơi ở – việc làm;
  • Đô thị có mối quan hệ đa cực giữa đô thị lớn và các đô thị nhỏ hơn trong mối quan hệ vùng, ngoài ranh giới hành chính của đô thị.

Một số mặt tích cực của dạng phát triển đa cực

Nhiều nghiên cứu quốc tế về cấu trúc đa cực đã chỉ ra những lợi ích của phát triển theo mô hình cấu trúc đa cực. Ngoài hiệu quả giảm sức ép về dân cư, hạ tầng tới vùng lõi đô thị lớn một cách rõ rệt, phát triển đa cực cũng tạo ra các nguồn việc làm mới, cho cơ hội đầu tư mới, các không gian mới cho đô thị.

Ví dụ tại London có cực mới London Docklands, tại Paris có LaDefence, NewYorks Word Trade Center của TP NewYork. Các cực trung tâm có khoảng cách đến trung tâm lõi từ 5-8km, thời gian đi lại ô tô mất 15 đến 20 phút đã tạo nên sức sống mới cho các khu vực ven trung tâm đô thị. Tại Đức cũng phát triển mô hình này. TP Stuttgard của Đức có dân số khoảng 628.000 dân, diện tích 207 km2 có các đô thị bao quanh là

Ludwigsburg,Esslingen, Boblingen… là các cực cách 10-20km quanh TP, tổng số dân xung quanh khoảng 2,7 triệu dân. (3)

Các nghiên cứu về phát triển đô thị đa cực ở Trung Quốc từ 1979 đến nay qua các TP, vùng đô thị (2) (4) cũng đã cho thấy nhiều đô thị ở Trung Quốc phát triển theo xu hướng này. Các đô thị đa cực có nhiều dạng, thường nằm ở 2 nhóm, nhóm đa cực bên trong TP và nhóm đa cực ở dạng liên kết vùng. Vấn đề cho thấy sự chuyển đổi từ đơn cực sang đa cực không chỉ ở cấu trúc không gian, hình thái, cảnh quan mà còn có xu hướng phân tán, đa hướng cả về các dòng dân cư và lao động. Số lượng việc làm hình thành ở các cực mới, khu vực rìa lõi đã tăng lên rõ rệt.

Cấu trúc đô thị đa cực – đa trung tâm trong quy hoạch ở nước ta

Qua nghiên cứu cho thấy nhiều đô thị từ loại II trở lên ở nước ta quy hoạch theo cấu trúc đa cực như TP Hải Phòng với các cực phát triển Đồ Sơn, Bắc Sông Cấm; TP Bắc Ninh quy hoạch có cực phát triển Từ Sơn, Nam Sơn; TP Hạ Long có cực phát triển phía Tây qua sông Cửa Lục (Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu)(5). Trong 14 đô thị loại I và II vùng Đồng bằng Bắc bộ có tới 12 đô thị (trừ Uông Bí, Bắc Giang) được quy hoạch theo hướng đa cực, đa trung tâm. ( 7 )

TP Hà Nội là đô thị đặc biệt có các cực phát triển ở dạng vệ tinh với chùm 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

Như vậy, tại khu vực phía Bắc hiện nay chỉ có 2 nhóm mô hình cấu trúc đa cực:

  • Đô thị cực lớn (Polycentric megacity) phát triển dạng đô thị vệ tinh: Các cực mới là đô thị vệ tinh quy mô tương đương loại III. Đặt cách đô thị lõi khoảng 30km, có hành lang xanh ngăn cách – Là TP Hà Nội;
  • Đô thị lớn (polycentric city) phát triển đa cực vùng rìa, cách đô thị lõi khoảng 5 đến 10km, cực mới là một khu vực phát triển mới hoặc chuyển đổi gộp các thị trấn cũ để hình thành quận mà không hình thành đô thị độc lập mới;

Tại miền Nam, chỉ có TP HCM có Thủ Đức là cực phát triển với quy mô đô thị loại II (tên gọi TP Thủ Đức) vì vậy cũng ra đời khái niệm cấu trúc “TP trong TP” ở Việt Nam.

Khái niệm cấu trúc “TP trong TP”

Cấu trúc “TP trong TP” là một loại cấu trúc theo dạng phát triển đa cực. Tính chất cơ bản của cấu trúc này là:

  • Toàn đô thị (vùng đô thị) là đô thị lớn, có thể đạt tới trên 10 triệu dân;
  • Có cấu trúc đa cực, đa trung tâm. Trong đó có một cực phát triển có quy mô lớn, tạo nên sức hút phát triển mới, một trung tâm mới, giảm tải cho đô thị lõi, quy mô dân cư và các chuẩn đạt đô thị loại II trở lên (TP);
  • Cực phát triển mới phải có yếu tố tạo thị tương đối độc lập, nhưng cũng có khoảng cách gần với đô thị lõi (khoảng 10-20km), không nhất thiết phải đặt cách xa (30 km) như đô thị vệ tinh để có sự liên kết thuận lợi về lao động, nhà ở, việc làm, có sức hút dân cư ở đô thị lõi tốt hơn;
  • Cực phát triển mới có tính độc lập tương đối trong quản lý hành chính nhưng cũng nằm trong quản lý chung của đô thị lớn để thiết lập được các liên kết phát triển chung của vùng đô thị. Vấn đề quản lý sẽ có sự khác biệt giữa các quốc gia, với Việt Nam vấn đề này cũng sẽ có tính đặc thù riêng.
Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
Quy hoạch mới sẽ phát triển Hạ Long theo hướng đô thị đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm

Cơ sở nào để hình thành cấu trúc “TP trong TP” trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao, tại thời điểm này lại có định hướng quy hoạch theo cấu trúc “TP trong TP” mà Hà Nội không tiếp tục phát triển triển nguyên theo cấu trúc cũ trong đồ án quy hoạch đã phê duyệt năm 2009? Đây là vấn đề cần có những khảo sát chuyên sâu để đánh giá về mô hình đô thị vệ tinh nói riêng của Hà Nội cũng như mô hình cấu trúc đa cực đang phát triển ở nước ta. Bài báo chỉ đưa ra được một số nhận định bước đầu.

  • Về kết quả, sau 10 năm quy hoạch được phê duyệt, hầu hết các đô thị vệ tinh đều có khả năng không hoàn thành được mục tiên hình thành đến mốc năm 2030 theo quy hoạch, thời gian tới chỉ còn 9 năm. Các nhân tố cơ bản để hình thành đô thị vệ tinh đều chưa hình thành rõ nét;
    • Đô thị Phú Xuyên còn thiếu tuyến đường kết nối Ngọc Hồi – Phú Xuyên, chưa có quy hoạch phân khu, chưa có hoạt động nào triển khai xây dựng theo quy hoạch đô thị vệ tinh;
    • Đô thị Hòa Lạc còn thiếu tuyến kết nối quan trọng Hồ Tây- Ba Vì. Mới đang hình thành Khu công nghiệp, trường đại học, chưa thu hút được dân cư Hà Nội;
    • Đô thị Xuân Mai chưa có đường kết nối tốc độ cao. Chưa có triển khai xây dựng đô thị vệ tinh;
    • Đô thị Sóc Sơn chưa có đường kết nối tốc độ cao. Chưa có triển khai xây dựng đô thị vệ tinh;
    • Đô thị Sơn Tây có đường kết nối khá tốt nhưng ở tốc độ không cao do xuyên qua nhiều đô thị nhỏ khác. Chủ yếu vẫn là vai trò thị xã cũ, chưa hút dân từ đô thị lên để giảm tải cho đô thị lõi;

Chỉ có Hòa Lạc là đô thị có thể về đích kịp tại năm 2030 với sức hút dân cư bước đầu. Với tiến độ này có thể đến năm 2040, các đô thị vệ tinh mới thực hiện được nhiệm vụ là hút dân nội thành, giảm phát triển ở đô thị lõi Hà Nội.

Một số nguyên nhân:

  • Cấu trúc quy hoạch của TP Hà Nội đang thực hiện theo ý đồ: Một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, cấu trúc của bản thân đô thị trung tâm như thế nào, nơi chứa đựng những vấn đề chính cần phải giải quyết thì chưa rõ. Việc tập trung nguồn lực cho khu vực đô thị lõi đang có rất nhiều vấn đề cấp thiết đã làm giảm sự huy động nguồn lực vào đô thị vệ tinh;
  • Các liên kết giao thông lên đô thị vệ tinh chậm được kết nối đầy đủ, nhất là giao thông cộng cộng. Với khoảng cách đến Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai…khoảng 30 km hiện không có giao thông cộng cộng (đường sắt – BRT) và chỉ có thể thu hút người ở có xe ô tô con, trong khi thành phần này chưa nhiều. Việc phát triển nhà ở tại khu vực này bị cạnh tranh với các dự án vùng ven nội đô, khoảng cách 10- 15km (An Khánh, Ecopark), hợp lý hơn với việc dùng xe máy;
  • Các nhân tố tạo thị ở đô thị vệ tinh chậm hình thành (công nghiệp, các trường đại học, y tế vùng..), một phần các vị trí của đô thị vệ tinh chưa hấp dẫn để các nhà đầu tư lớn. Còn trông đợi vào nguồn vốn của nhà nước;
  • Cấu trúc tổng thể có nhiều đô thị vệ tinh (5 đô thị), trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế, việc đầu tư phân tán nên kém hiệu quả;
  • Đô thị vệ tinh chỉ có thể có lợi thế phát triển khi sự phát triển lan toả ở vùng ria đô thị lõi thực sự đã dừng lại, cùng với các chính sách khuyến khích hoặc ép buộc quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên đây là điều chưa thể xảy ra trong vòng 10 năm tới. Nhất là với định hướng sẽ tiếp tục mở rộng đô thị và chuyển đổi 8 huyện ngoại thành lên quận từ nay đến 2030; Nền kinh tế thị trường đang có vai trò quyết định đầu tư phát triển đô thị, doanh nghiệp thấy lợi ích đầu tư vượt trội khi phát triển các khu đô thị mới tại An Khánh, Thanh Oai, Gia Lâm so với tại các đô thị vệ tinh như Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc. Vì vậy, có thể dự báo giai đoạn phát triển của đô thị vệ tinh này phải sau 10 – 20 năm nữa, khi việc đầu tư phát triển vào 8 quận mới của Hà Nội giai đoạn 2025-2040 đã cơ bản xong.
  • Hành lang xanh là cơ sở để hạn chế sự phát triển lan tỏa không được cụ thể hóa, phát triển và quản lý. Hiện nay sau 10 năm chưa có gì chuyển biến trong Hành lang xanh Hà Nội;

Nhìn chung có các yếu tố cốt lõi để cho một đô thị vệ tinh ra đời: Giao thông kết nối đô thị lõi và đô thị vệ tinh- dừng phát triển lan tỏa ở vùng rìa – kiểm soát chặt hành lang xanh đều chưa được thực hiện. Vì vậy, kết quả không như mong đợi là tất yếu.

Do vai trò của đô thị vệ tinh chưa được phát huy, đô thị đa cực chưa hình thành, sự phát triển lan tỏa vẫn chiếm ưu thế nên sức hút vào đô thị trung tâm Hà Nội vẫn tiếp tục. Cùng với sự phát triển dân cư mở rộng ra sát vành đai 4 và các huyện ngoại thành sắp lên quận (hơn 2 triệu dân) sẽ tiếp tục chất tải vào các đường vành đai 3 và các trục đường hướng tâm. Giao thông khu vực giữa vành đai 2 và 3 tiếp tục bị quá tải.

Tại thời điểm này, Hà Nội vẫn là đô thị cấu trúc đơn cực, có các vành đai đứt đoạn và phát triển dạng đậm đặc (TP cực lớn hình tia một trung tâm -monocentrical compact radial concentration). Vì vậy Hà Nội có thể vẫn phải chịu sức ép của vấn đề dân số nội đô tăng, hạ tầng quá tải trong 10 năm tới.

Và như vậy quy hoạch Hà Nội phải thay đổi.

Hà Nội không thể chờ đợi sự phát triển của các đô thị vệ tinh đến tận năm 2040. Nếu không có những điều chỉnh ngay thì sẽ là nguy cơ lớn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Từ đó cho thấy việc tìm kiếm mô hình mới, điều chỉnh cấu trúc của Hà Nội để phát triển có hiệu quả hơn là điều tất yếu phải làm trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung này.

Cơ sở để điều chỉnh quy hoạch từ cấu trúc đa cực dạng vệ tinh sang cấu trúc đa cực – đa trung tâm có cực mới với quy mô lớn

Sự cần thiết:

  • Lý luận đã cho thấy để có một cấu trúc đô thị lớn hợp lý không nhất thiết phải theo mô hình đô thị vệ tinh mà có nhiều dạng cấu trúc đa cực khác. (6) Với đặc điểm của Hà Nội cũng như những bài học từ quá trình xây dựng theo đô thị vệ tinh giai đoạn qua, nên định hướng điều chỉnh theo cấu trúc đa cực – đa trung tâm có cực quy mô lớn.
  • Về tổng thể, Hà Nội sẽ là một đô thị loại đặc biệt (metropolis- megacity) bao gồm có đô thị trung tâm (đô thị lõi) và các cực phát triển khác trong đó có một đô thị là TP (loại II) để tạo thành một cực phát triển mới.
    • Cần thiết phải lựa chọn một đô thị vệ tinh hoặc một khu vực đô thị có tiềm năng phát triển chủ đạo để nhanh chóng hình thành một cực mới, một trung tâm mới của Hà Nội. Đầu tư và hình thành nhanh chóng, tránh dàn trải. Tạo ngay hiệu quả giảm tải cho nội đô.

Vị trí, quy mô, tính chất của cực phát triển mới

  • Khoảng cách từ nội đô đến cực phát triển mới khoảng 10-20km, vừa có các hành lang xanh xen kẽ bảo vệ môi trường, vừa có khả năng liên kết giao thông, việc làm với nội đô tốt hơn so với khoảng cách 30km của đô thị vệ tinh. Phù hợp với thời gian để chuyển đổi từ đi xe máy sang giao thông cộng cộng của người dân;
  • Phải có sự ngăn cách về cây xanh, hành lang xanh hoặc yếu tố tự nhiên để không cho sự phát triển lan tỏa liên tục;
  • Quy mô và tính chất của cực mới phải thực sự đủ để tạo nên sức hút phát triển, vừa giảm tải cho đô thị cũ, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế, đầu tư. Đây chính là điểm mấu chốt; Cực mới này phải thỏa mãn 2 điều kiện:
  • Có quy mô đủ lớn để tạo thành khu vưc có sức hút về đầu tư, dịch vụ có chất lượng, thu hút dân cư. Nếu quy mô một cực mới có dân cư chỉ tương đương một quận nội thành (khoảng 150.000- 200.000 dân) thì sức hút đô thị vẫn chưa đủ. Cần xem xét khả năng phát triển với quy mô khoảng 300.000 dân để hệ thống hạ tầng xã hội, công trình công cộng ở quy mô lớn sẽ tạo nên chất lượng không thua kém ở đô thị lõi.
  • Cực đô thị mới phải đồng thời có khả năng độc lập về các nhân tố tạo thị, tạo ra nguồn việc làm mới, thu hút đầu tư của các hoạt động kinh tế, không chỉ là đầu tư bất động sản. Các nhân tố tạo thị như công nghiệp, dịch vụ hay giáo dục, y tế vùng, đầu mối giao thông vận tải…đều có thể được cân nhắc.

Quy mô và tính chất này tương đương đô thị loại II (TP).

Với những luận cứ này cho thấy việc lựa chọn Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh để nghiên cứu quy hoạch một TP mới là có cơ sở. Khoảng cách đến nội đô chỉ khoảng 10km, đã có 2 cầu qua sông Hồng, đất đai khá thuận lợi, gần sân bay, có khả năng kết nối vùng phía Bắc và Hải Phòng, Quảng Ninh. Sông Hồng là một yếu tố tự nhiên như một Hành lang xanh đảm bảo không cho sự phát triển lan tỏa, nâng cao chất lượng môi trường.

Những thách thức và các vấn đề

Nếu điều chỉnh cấu trúc quy hoạch này, sẽ phải giải quyết một số vấn đề:

  • Lựa chọn đâu là yếu tố tạo thị để cực mới đạt vai trò của một TP loại II: Đây cũng là bài toán phải lựa chọn cẩn trọng, cân nhắc về tỷ trọng giữa các yếu tố phát triển như công nghiệp với dịch vụ thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…
  • Thách thức trong việc điều chỉnh lại cấu trúc hiện hữu: Cũng cần xem xét điều chỉnh lại quy mô của các đô thị vệ tinh hiện hữu, cho dù đã lập quy hoạch chung, phân khu và cần đặt kế hoạch phát triển dài hơi hơn. Nên điều chỉnh quy hoạch giảm quy mô của các đô thị vệ tinh chưa đầu tư xây dựng (trừ đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã đầu tư nhiều), chú trọng yếu tố phát triển tự thân, ít phụ thuộc vào đô thị trung tâm, nên dự kiến quy hoạch ở giai đoạn năm 2040, khi việc đầu tư phát triển xây dựng ở quận mới đã cơ bản hoàn thành.
Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
TP Hồ Chí Minh

Điều chỉnh lại các nhân tố phát triển lớn đã dự kiến đăt phân tán ở các đô thị vệ tinh như các trung tâm y tế vùng, thể thao, đào tạo, công nghệ cao…để tập trung về cực phát triển mới. Giãn tiến độ đưa các huyện như Thanh Oai, Thường Tín lên quận để tập trung đầu tư, thu hút nguồn lực cho định hướng hình thành cực phát triển mới.

  • Những vấn đề điều chỉnh về quản lý: Cơ chế của “TP trong TP” sẽ là một cơ chế quản lý mới, cần cân nhắc mô hình để TP mới vừa có tính độc lập, chủ động trong phát triển vừa có sự phối hợp chặt chẽ với đô thị lõi.

Có thể còn có nhiều vấn đề có liên quan nữa cần xem xét điều chỉnh đồng bộ.

Tóm lại: Việc định hướng điều chỉnh lại cấu trúc quy hoạch phát triển tổng thể của TP Hà Nội là rất cấp thiết. Cấu trúc đô thị theo hướng “TP trong TP” nếu được hiểu đúng sẽ là “cấu trúc đa cực, đa trung tâm có cực quy mô lớn” là một định hướng chuyển đổi có tính chiến lược, quan trọng và cần thiết được đặt ra trong nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hà Nội để nghiên cứu đề xuất.

Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
Quy hoạch 2009: Cấu trúc 5 đô thị vệ tinh
Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
Sau 10 năm quy hoạch. Các vệ tinh chậm thực hiện. Đô thị lõi tiếp tục mở rộng
Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
Điều chỉnh sang cấu trúc đa cực, có cực lớn “TP trong TP” (PA1)
Lý luận và thực tiễn - Tạp chí Kiến Trúc
Cấu trúc đa cực có cực lớn và có thể điều chỉnh cả cấu trúc vệ tinh hiện hữu (PA2)

Những phương án có thể thực hiện điều chỉnh cấu trúc quy hoạch theo hướng đô thị đa cực, có “TP trong TP” lớn.

Có thể còn có những khó khăn do phải khắc phục những hạn chế của cấu trúc và định hướng quy hoạch hiện hữu, sao cho sự chuyển đổi quy hoạch ít gây xung đột và thiệt hại nhất. Nhưng đó là công việc làm rất cần thiết để đảm bảo cho Hà Nội thực sự có một cấu trúc tốt, phát triển bền vững cho 20-30 năm tới.

*PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường
KTS Trần Quý Dương
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Tham khảo:
1. Piotr Zaremba (1979). Systematization of Urban Structures and The Environment of Man. Town and Country Planning Research. Vol.3,1976. Warszawa- Poznan1976.
2. Dong Lin, Andrew Alan, Jianqiang Cui (2015). The impact of polycentric urban development on cummunting behavior in urban China: Evidence from four sub- centres of Beijing. Habitat International, Volum 50, December 2015, Page 195-205.
3. Dani Broitman (2012). Dynamics of polycentric urban structure. Doctor thesis 2012, Architecture faculty and Urban planning reseach,.Israel Institute Tecnology. 
4. Qingming Zhan; Jingnan Zhou; Yinghui Xiao (2009). Applying space syntax in large polycentric city. Published in 2009 17th International Conference Geoinformatics- China.(12-14 Aug.2009).
5. Phạm Hùng Cường (2012). TP Hạ Long và những mảng vỡ trong cấu trúc Quy hoạch. Tạp chí Kiến trúc. Số 8-2012.
6. Phạm Hùng Cường (2017). Một số lý luận và thực tiễn trong Quy hoạch cấu trúc đô thị theo hướng cấu trúc đa cực trung tâm ở Việt Nam. Tạp chí Quy hoạch. Số 89+90-2017. 
7. Đề tài (2017): Nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị theo hướng cấu trúc đa cực trung tâm, áp dụng cho TP Hạ Long. Mã số: B2016-XDA-05. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ trì Phạm Hùng Cường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích