Hà Nội: Bức thiết tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hiện đại tại các huyện lên quận

Hà Nội: Bức thiết tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hiện đại tại các huyện lên quận

MTĐT –  Thứ hai, 13/12/2021 09:14 (GMT+7)

Trước thực trạng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện nói chung và 5 huyện sắp lên quận của Hà Nội nói riêng là một trong những đòi hỏi bức thiết trong thời điểm hiện nay.

Xây dựng lộn xộn vì thiếu quy định quản lý

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, đến nay, trên đại bàn TP Hà Nội có 17 huyện đã phê duyệt 13 đồ án trong tổng số 14 đồ án quy hoạch cấp huyện (Quy hoạch chung huyện Gia Lâm chưa được phê duyệt). Riêng 3 huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức có phần lớn diện tích thuộc khu vực được định hướng phát triển đô thị lên quận nên đã không triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng huyện.

Tuy nhiên, quy hoạch các xã đã thực hiện trước khi Quy hoạch chung xây dựng huyện được lập và phê duyệt nên dẫn đến không ít hạn chế, bất cập như định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới chưa dự báo được quy mô phát triển dân số, hạ tầng kỹ thuật khung của nhiều xã chưa khớp nối đồng bộ, mạng lưới điểm dân cư, chợ, cơ sở giết mổ gia súc… còn sự chồng lấn, không thống nhất với các quy hoạch ngành. Quy hoạch các xã trong từng huyện thiếu tính liên kết vùng, kết nối đồng bộ hạ tầng.

Hà Nội: Bức thiết tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hiện đại tại các huyện lên quận
Các công trình nhà ở riêng lẻ do người dân tự tổ chức thiết kế, xây dựng trong quá trình phát triển đô thị tại huyện Đông Anh. Ảnh: Doãn Thành

Đáng chú ý, đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh đã được phê duyệt đề án phát triển thành quận gồm Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng lại chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn. Vì thế, tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp xây không có khoảng lùi công trình hoặc chia nhỏ diện tích đất vườn, ao liền kề để chuyển nhượng, xây dựng công trình làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường.

Trong khi đó, lực lượng quản lý trật tự xây dựng còn mỏng, chưa kiểm soát hết tình hình dẫn đến nhiều hộ dân xây dựng sai quy hoạch, vượt số tầng quy định dẫn đến cấu trúc làng xã, kiến trúc truyền thống vùng nông thôn ngày càng bị phá với, mai một dần.

Từ thực tế trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp nêu, hiện trên địa bàn toàn huyện việc cấp phép xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ thực hiện theo Luật xây dựng. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là các xã, thị trấn chưa có quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 nên chưa có cơ sở cấp phép xây dựng, dẫn đến các công trình nhà ở riêng lẻ do người dân tự tổ chức thiết kế, xây dựng, gây khó khăn trong công tác quản lý kiến trúc. Một số văn bản về xử lý vi phạm chưa đầy đủ các hành vi, do đó công tác quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị, còn tình trạng xây dựng lộn xộn không có phép hoặc trái phép, phá vỡ văn hóa làng xã nông thôn do đô thị hóa.

Tại huyện Hoài Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phùng Bá Nhân cho hay, đối với các khu đô thị, nhà ở mới, dự án trọng điểm có kiến trúc, cảnh quan khá đồng bộ như Khu đô thị mới Bắc QL32, Vinhome An Khánh, Nam An Khánh… Tuy nhiên, các công trình trong các cụm điểm công nghiệp thì cảnh quan kiến trúc còn lộn xộn, chưa đồng bộ.

Đẩy nhanh quy hoạch, bổ sung quy định quản lý

Trước những tồn tại, để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn 5 huyện trong giai đoạn xây dựng, phát triển thành quận, các huyện đã kiến nghị chung nhiều nội dung. Trong đó, TP cần đẩy nhanh hơn nữa công tác rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án phân khu đô thị. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển hiện nay, tránh những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện sau này.

Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp mạnh, giao cấp huyện thực hiện các thủ tục như: chấp thuận danh mục, thẩm định phê duyệt kinh phí để huyện chủ động trong công tác lập các quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế kiến trúc thuộc thẩm quyền cấp huyện.

Đặc biệt, TP cần nhanh chóng bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đối với nhà ở riêng lẻ nông thôn nhằm đảm bảo phù hợp thực tế, tạo sự đồng bộ về kiến trúc cảnh quan khu dân cư làng xóm cũ.

Về những vấn đề riêng đặc thù, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp cho biết, trên địa bàn hiện có 11 dự án khu đô thị mới, khu ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng quy mô trên 200ha đất và 2 khu ở mới dự kiến được phê duyệt quy hoạch trong năm nay với trên 50ha.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án chậm, cá biệt có dự án đến nay gần 20 năm vẫn chưa hoàn thành như dự án khu đô thị mới Cầu Bươu gây bức xúc dân sinh. Do vậy, huyện có đề xuất TP chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch để sớm triển khai, trường hợp không đảm bảo tiến độ, TP cần xem xét, có chế tài mạnh hơn để xử lý dứt điểm.

Hiện nay, Thanh Trì còn thiếu 3 tiêu chí lên quận, trong đó tiêu chí đất cây xanh công cộng còn thiếu khoảng 69ha. Để có diện tích dành cho quỹ đất này, huyện kiến nghị TP cần có biện pháp sớm thực hiện di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm đô thị huyện theo quy hoạch được duyệt như Nhà máy Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển.

Còn đối với huyện Hoài Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị Phùng Bá Nhân cho hay, tuyến trục Hồ Tây – Ba Vì và hệ thống các tuyến đường dọc trục Hồ Tây – Ba Vì quy hoạch chồng lấn nhiều vào các khu dân cư hiện trạng, ảnh hưởng đến một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và khó khả thi. Do đó, huyện đề xuất phương án nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn qua huyện Hoài Đức cho phù hợp thực tế.

Ngoài ra, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, một phần phía Tây Vành đai 4 nằm ngoài vùng phát triển đô thị. Tuy nhiên, hiện nay đây là khu vực có mật độ dân cư sinh sống đông đúc, chiếm khoảng 2/5 tổng dân cư toàn huyện. Hiện nay, huyện đang thực hiện đầu tư xây dựng thành quận theo đề án của TP, theo đó các xã, thị trấn sẽ thành phường giữ nguyên địa giới hiện trạng.

“Mong muốn của huyện là trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô lần này sẽ quy hoạch mở rộng vùng phát triển đô thị đến hết vùng bãi sông Đáy của huyện Hoài Đức” – ông Phùng Bá Nhân nêu.

Trong quá trình quản lý cho thấy khung pháp lý để quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ, công trình tiện ích xã hội, trong khu vực nông thôn hiện còn hạn chế. Cụ thể, theo Luật Xây dựng 2013, nhà ở riêng lẻ là công trình không bắt buộc phải xin cấp phép xây dựng. Vì vậy, có những khu vực người dân xây dựng tự phát, không có định hướng rõ ràng cho quá trình phát triển. Sở QH – KT Hà Nội đang nghiên cứu, đề xuất quy định tiến tới mọi công trình xây dựng đều được cấp phép xây dựng nhằm quản lý việc đầu tư, quy hoạch, cảnh quan kiến trúc tại các huyện.

Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích