Bị xử lý ra sao nếu cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp?
Báo chí được coi là một nghề “đặc biệt”, bởi tính chất rất “đặc biệt đó nên yêu cầu người làm báo phải nhanh nhạy với thông tin, phản ánh đúng và chính xác các sự việc trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp và hoạt động báo chí, nhiều nhà báo, phóng viên đang bị “làm khó”, thậm chí bị “cản trở” bởi một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Không những vậy, nhiều nhà báo, phóng viên còn bị đe dọa, hành hung, phá hoại tài sản. Với những hành động cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp nêu trên, đối tượng gây cản trở có bị xử lý không?
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trên phương diện xã hội, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội đến công chúng, cũng như trong việc định hướng tư tưởng của người đọc, người xem, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Và trách nhiệm của cơ quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, phóng viên không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…
Tuy nhiên, thực tế, tình trạng đe doạ, uy hiếp nhà báo, phóng viên luôn xảy ra và không phải là chuyện hiếm gặp. Việc cản trở hoạt động báo chí được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Tại khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 nêu rõ, các hành vi bị nghiêm cấm: “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ cụ thể khi áp dụng các mức xử phạt:
Về xử lý hành chính: tại Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định rất rõ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật sẽ áp dụng phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…
Về xử lý hình sự: các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng như: tội “giết người” (Điều 123 Bộ luật Hình sự), tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134 Bộ luật Hình sự), tội “làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự); tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178 Bộ luật Hình sự), hoặc tội “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167 Bộ luật Hình sự).
Luật sư Trần Xuân Tiền cũng chia sẻ thêm, mặc dù có nhiều cơ chế xử lý hành vi cản trở báo chí, song hiệu quả xử lý còn thấp. Các nhà báo, phóng viên khi đi tác nghiệp, thu thập thông tin cũng là thi hành công vụ vì họ thực hiện nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao. Vì vậy, đối với những hành vi cản trở hoạt động báo chí là hành vi chống người thi hành công vụ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, kịp thời để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng như bảo đảm cho hoạt động nghề nghiệp của các phóng viên, nhà báo.
Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định khi đối tượng có hành vi cản trở, đe dọa, hành hung trái pháp luật.
Đồng thời, nhà báo phải tác nghiệp đúng pháp luật bằng cách tìm hiểu và đưa ra các thông tin khách quan, chau chuốt câu chữ, không để các đối tượng hiểu nhầm dẫn đến những phản ứng thái quá, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của mình.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu