Chốt phương án nối thông cao tốc Bắc – Nam gần 120.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, 9/12 dự án thành phần dài 552 km sẽ được đầu tư trước. 3 dự án còn lại sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư trước rồi chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030…

Đầu tư 9/12 dự án thành phần theo hình thức PPP

Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021, Chính phủ trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra dự án trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm 2021.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, 9/12 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT). Tổng chiều dài 552km, gồm các đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng, Hà Tĩnh dài 90km, đoạn Quảng Ngãi – Nha Trang 353 km và Cần Thơ – Cà Mau 109km. 

Năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Đối với 03 dự án thành phần đoạn Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh và Vạn Ninh – Cam Lộ dài 177 km, giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Ba dự án này sẽ triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư với kinh phí khoảng 4.584 tỷ đồng và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định “trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn khó khăn và phải cân đối cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác nên cần tính toán, xác định lộ trình đầu tư để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực”.

Danh mục dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Danh mục dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô cơ bản là 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế – chính trị lớn quy mô 8 – 10 làn xe, đoạn Cần Thơ – Cà Mau quy mô 4 làn xe. Tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80 – 120km/h.

Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, kiến nghị đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, đồng bộ với quy mô giai đoạn phân kỳ phần lớn các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017

Theo kết quả tính toán, với quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ như trên có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045.

Theo quy định của Luật PPP, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP, người sử dụng và Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thu hồi vốn và có lợi nhuận. Mức giá, phí dịch vụ của Dự án cơ bản phù hợp với mức giá, phí dịch vụ Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Sơ bộ mức giá, phí dịch vụ. Thời gian thu phí hoàn vốn từ 17 - 32 năm.
Sơ bộ mức giá, phí dịch vụ. Thời gian thu phí hoàn vốn từ 17 – 32 năm.

Kết cấu hạ tầng vẫn là “lực cản”

Sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên vào năm 2004, đến nay, cả nước mới có khoảng 1.163km đưa vào khai thác, tương ứng 18% so với quy hoạch, tốc độ xây dựng bình quân 74km/năm, chỉ bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua.

Theo Bộ Giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Đồng thời, chưa hoàn thành mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc” theo Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đạt 48%.

Việc triển khai đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc chưa được hợp lý, phân bổ chưa hài hòa giữa các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực và vùng khó khăn.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng thêm 10 bậc so với năm 2018, xếp hạng thứ 67/141 nền kinh tế.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 7/12 quốc gia. Đặc biệt, chỉ số về kết cấu hạ tầng đường bộ còn thấp. Cụ thể, chỉ số về kết nối đường bộ đứng thứ 104/141 quốc gia, chỉ số về chất lượng đường bộ đứng thứ 103/141 quốc gia. Chỉ số này cho thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đáng chú ý, giai đoạn 2016 – 2020, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông theo Nghị quyết số 52 với tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần.

Cập nhật thông tin về tình hình 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ Giao thông vận tải cho biết triển khai thi công 6 dự án thành phần trong tổng số 8 dự án thành phần đầu tư công. Đối với 02 dự án thành phần Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu chuyển đổi sang đầu tư công theo Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 04/2/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Đối với 03 dự án đầu tư theo phương thức PPP, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã ký kết hợp đồng và khởi công trong tháng 5 năm 2021.Đoạn Nha Trang – Cam Lâm đã ký kết hợp đồng tháng 5 năm 2021, khởi công tháng 7 năm 2021. Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư ngày 30/7 vừa qua, triển khai dự án đầu tháng 8 năm 2021.

Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063 km. Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đề ra.

Hành lang vận tải trên trục Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích