Phát triển ngành điện theo hướng nào để đạt ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050?
Phát triển ngành điện theo hướng nào để đạt ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050?
Việc chuyển hướng mạnh mẽ qua năng lượng sạch cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Con đường này sẽ giúp Việt Nam định vị là một quốc gia hàng đầu khu vực về năng lượng tái tạo…
Sử dụng điện kém hiệu quả nhất thế giới
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra giá điện sản xuất của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong các nước châu Á. Chính sách duy trì giá điện sản xuất thấp đã dẫn đến việc du nhập ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng như thép, xi măng, hóa chất… và những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, gây lãng phí điện năng và tạo áp lực liên tục lên nguồn cung điện. Như một vòng luẩn quẩn không lối ra, Việt Nam lại phải tiếp tục tìm nguồn vốn bổ sung nguồn điện mới, trông cậy vào nhiệt điện than để giải tỏa cơn khát điện…
Để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia, người ta dùng chỉ số cường độ điện năng. Đó là lượng điện năng tiêu thụ để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP. Tổng hợp từ số liệu của BP (tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh) và WB cho thấy trung bình 10 năm qua, cường độ điện năng của Việt Nam gấp 2,7 lần trung bình thế giới. Con số này của Việt Nam gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; 1,6 lần Trung Quốc; 1,8 lần Malaysia; 2,2 lần Hàn Quốc; 2,5 lần Thái Lan; 3,1 lần Philippines; 3,4 lần Indonesia; 3,9 lần Nhật Bản và 5,7 lần Singapore.
2020 là một năm bất thường khi tiêu thụ điện và GDP đều giảm do tình hình COVID-19 nên không có tính đặc trưng. Dù vậy, ước tính cường độ điện năng năm này cũng không khác biệt so với trung bình 10 năm qua. Thông tin này cho thấy Việt Nam không thể đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” nếu không cải cách sâu rộng về mô hình tăng trưởng, bằng cách chuyển sang mô hình kinh tế phát thải thấp, theo hướng ít sử dụng tài nguyên không tái tạo nhưng vẫn tạo ra giá trị gia tăng cao, chẳng hạn ưu tiên các ngành công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp năng lượng sạch…
Phát triển ngành điện theo hướng nào?
Vài năm gần đây, luồng ý kiến ủng hộ điện than luôn cho rằng điện than có giá thành rẻ, và điện than sẽ đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng với việc ngày càng phụ thuộc vào than nhập cho những cỗ máy đốt than “như uống nước lã”, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia ngày càng gia tăng khi điện than hiện đã chiếm 52,9% tỷ trọng sản lượng, trong khi không chủ động được nguồn nhập than dài hạn và không kiểm soát được sự gia tăng của giá than thế giới. Cơn khủng hoảng điện tại Trung Quốc do phụ thuộc điện than đang là bài học nhãn tiền.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2014 nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng tại 15 quốc gia cho thấy khả năng tỷ trọng VRE (điện mặt trời và gió) vượt trên 30% trong lưới điện có thể đạt được với chi phí gia tăng không đáng kể nhờ vào cải thiện chính sách, hệ thống quản lý, và lập kế hoạch tốt hơn. Một nghiên cứu khác của phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ (NREL) năm 2018 cũng chỉ ra rằng có thể tích hợp tỷ trọng VRE đến 25% vào lưới điện chỉ bằng các giải pháp về quản lý. Việc đầu tư thêm vào các nguồn phát điện linh hoạt để hỗ trợ lưới điện chỉ thực sự cần thiết khi tỷ trọng VRE cao hơn 25%.
Báo cáo World Energy Oulook 2021 của IEA cho thấy do sự giảm giá mạnh mẽ của điện gió và mặt trời, hiện đã có trên 130 quốc gia cam kết nâng công suất và sản lượng các nguồn điện sạch này đủ để đáp ứng nhu cầu điện năng trong 10 năm tới. Dự kiến tỷ trọng VRE trên toàn cầu năm 2030 sẽ đạt 30%, so với mức 9,4% hiện nay. Do đó, Việt Nam có thể tự tin đặt mục tiêu tỷ trọng VRE năm 2030 bằng mức trung bình của thế giới là 30% mà không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều vào nguồn linh hoạt như pin tích năng.
Từ những phân tích trên, điều kiện cần để đạt mục tiêu ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050 là phải triệt để loại bỏ toàn bộ các dự án điện than xây mới sau 2021, và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành như cam kết của Bộ trưởng Công thương trong “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”. Quy hoạch điện mới sẽ ưu tiên phát triển nhiệt điện khí để củng cố phụ tải nền và tăng cường độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 60.000 người chết mỗi năm tại Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam khoảng 5% GDP mỗi năm, tương đương 13 tỉ USD. Theo lượng than đá tiêu thụ, các nhà máy nhiệt điện than gây ra thiệt hại do ô nhiễm không khí đến 4,5 tỉ USD mỗi năm.
Các nguồn khí nội địa từ mỏ Lô B, Cá Voi Xanh và tương lai là Kèn Bầu, cùng với nguồn LNG nhập khẩu từ Australia, Quata, Mỹ, Nga, Canada… sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi từ điện than sang điện khí theo xu hướng trên toàn cầu. Việc các nhà đầu tư liên tục đề xuất các dự án điện khí là tín hiệu rất tốt cho định hướng này, nhưng việc có các chính sách và thủ tục nhất quán để thúc đẩy đầu tư là điều mà các nhà đầu tư đang mong đợi để điện khí thật sự “cất cánh”.
Theo lộ trình điện gió ngoài khơi theo được WB đề xuất, WB cho rằng điện gió ngoài khơi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam và có tiềm năng cung cấp 12% sản lượng điện năng của Việt Nam vào năm 2035, giúp giảm phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và tạo ra 50 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế Việt Nam.
Việc chuyển hướng mạnh mẽ qua năng lượng sạch cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Con đường này sẽ giúp Việt Nam định vị là một quốc gia hàng đầu khu vực về năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam có thể đảm nhận vai trò là trung tâm sản xuất thiết bị công nghệ, cung cấp dịch vụ hậu cần, vận hành, bảo dưỡng, đào tạo, và dịch vụ tài chính năng lượng tái tạo cho cả khu vực Đông Nam Á.
Cam kết ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050 và từ bỏ điện than đã thật sự đưa Việt Nam đón nhận vận hội mới. Hàng loạt các tổ chức như EU, WB hay các quốc gia như Anh, Mỹ, Đan Mạch… đều đã ngỏ lời giúp Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng và cập nhật cam kết giảm phát thải. Điều đó cho thấy rằng, lựa chọn con đường phát triển đúng đắn bằng cách đứng vào hàng ngũ những quốc gia có trách nhiệm khí hậu sẽ giúp Việt Nam tối ưu hóa nội lực và huy động được ngoại lực.
Nguyễn Đăng Anh Thi – Chuyên gia năng lượng và môi trường
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị