Hà Nội dự kiến làm cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, vành đai 4 theo hình thức PPP
Hà Nội dự kiến làm cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, vành đai 4 theo hình thức PPP
Các dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, đường vành đai 4 dự kiến sẽ được đầu tư kết hợp giữa các nguồn vốn ngân sách thành phố + PPP, triển khai thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Các dự án xây dựng cầu cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, đường vành đai 4 dự kiến sẽ được đầu tư kết hợp giữa các nguồn vốn ngân sách thành phố + PPP, triển khai thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Chiều nay, 7/12, tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI xem xét hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 và tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến 26/11/2021, lũy kế giải ngân chung toàn thành phố hơn 20.507 tỷ đồng, đạt 44,4%.
Ước năm 2021, Hà Nội sẽ giải ngân 38.887 tỷ đồng, đạt 84,3% kế hoạch thành phố giao và bằng 93,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về khả năng cân đối nguồn vốn năm 2022, theo dự kiến, tổng nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 51.072,9 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến của Trung ương 510 tỷ đồng, do dành nguồn chi đầu tư phát triển đề chi trả nợ lãi, phí các khoản vay là 510 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng đã đề xuất 39 dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021 – 2025 thuộc 10 lĩnh vực.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, UBND TP Hà Nội đề xuất một số dự án trọng điểm như xây dựng cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, đường vành đai 4 – vùng Thủ đô,…
Cụ thể, dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, phần cầu dài 3 km, rộng 29,5 m. Phần đường nối cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên dài 9 km, rộng 60 m. Dự kiến công trình được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2026.
Còn dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài 3,1 km, vốn đầu tư 8.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP.
Đối với đường vành đai 4 – vùng Thủ đô, dự án có chiều dài 111,2 km, nền đường rộng 120 m, tổng vốn đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Dự án này thuộc danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư vả bố trí vốn hàng năm theo tiến độ dự án theo Nghị quyết 21 của HĐND TP Hà Nội ngày 23/9/2021. Trong đó, kinh phí phần xây lắp dự kiến giao Hà Nội là 20.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ II, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô (dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư).
Tháng 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội cũng đã công bố Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 và danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021 – 2025 của Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Trong văn bản này, HĐND thành phố đưa ra danh sách 13 dự án giao thông (tổng mức đầu tư 170.900 tỷ đồng) thuộc nhóm các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế.
Trong số 13 dự án này, có đề cập đến hai cây cầu vượt sông Hồng, đó là cầu Vân Phúc (nối huyện Phúc Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc) và cầu Thượng Cát (nằm trên trục vành đai 3,5, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh).
Theo đó, cầu Vân Phúc dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026. Cầu này có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, chiều dài 4 km và hệ thống đường hai đầu cầu. Theo HĐND TP, dự kiến giai đoạn 2021 – 2025, dự án này sẽ được rót 506,1 tỷ từ ngân sách trung ương.
Với cầu Thượng Cát, dự án cũng được dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026. Cầu Thượng Cát có quy mô dài 4,5 km, rộng 60 m. Về vốn, dự án dự kiến được triển khai với tổng mức đầu tư là 9.000 tỷ đồng cho cả phần cầu và đường hai đầu cầu./.
Theo Doanh nghiệp niêm yết
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị