Nỗ lực vì tương lai phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam, các tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và gần 20 diễn giả là các chuyên gia quốc tế trên lĩnh vực phụ nữ, hoà bình và an ninh từ các châu lục khác nhau.
Quang cảnh Hội thảo |
Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên được tổ chức nhằm triển khai các cam kết tại Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, hòa bình và an ninh do Việt Nam chủ trì (tháng 12/ 2020) nhân dịp kỷ niệm 20 năm Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Hội thảo có các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề liên quan đến CTHĐQG như các mô hình, thực tiễn điển hình và quan điểm các nước, cơ chế triển khai và ngân sách, thách thức khó khăn trong quá trình xây dựng CTHĐQG, cơ chế giám sát và báo cáo và thực tiễn triển khai tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế cho rằng các thành viên Liên hợp quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên chặng đường hai mươi năm thực hiện Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh kể từ khi Nghị quyết 1325 được thông qua, góp phần xây dựng khuôn khổ pháp lý và chính sách về vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng nhiệm vụ của cộng đồng quốc tế là “đi tiếp và tiến xa hơn” trong chặng đường từ cam kết tới kết quả để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn, toàn diện hơn trước các thách thức, bất ổn và mối đe dọa về an ninh, để phụ nữ hiện diện và đóng vai trò quan trọng hơn trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Để đạt được những mục tiêu này, ông Việt cho rằng cần có sự quan tâm phù hợp đến các cơ chế và công cụ triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đó có các Chương trình hành động quốc gia.
Ông Việt khẳng định Việt Nam ý thức sâu sắc về vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình xây dựng và củng cố hòa bình và khẳng định phụ nữ Việt Nam tham gia từ chiến trường tới bàn đàm phán Hiệp định hòa bình, lực lượng rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, xây dựng đồng thuận xã hội hay trong lao động, sản xuất nhằm tái thiết và xây dựng đất nước, hay mới đây nhất là tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cộng hoà Trung Phi hay Nam Sudan.
Cùng phát biểu khai mạc, bà Rana Flowers, Quyền Đại diện thường trú LHQ tại Việt Nam bày tỏ vui mừng trước quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 1325 của HĐBA và các Nghị quyết sau đó về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Hội thảo quốc tế lần này là sự tiếp nối mạnh mẽ nhằm thực hiện Cam kết hành động Hà Nội, một đóng góp quan trọng của Việt Nam tương xứng với vị thế là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đóng góp tích cực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, thể hiện qua việc cử 251 sĩ quan quân sự và quân y tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình, trong đó có 40 phụ nữ. Tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam những năm qua đạt 16 – 20%, cao hơn yêu cầu của LHQ.
Bà Rana Flowers cho rằng đại dịch Covid-19 là phép thử đối với các Chính phủ trong việc bảo đảm bình đẳng giới khi mà đây là một trong những trở ngại đối với vấn đề phát triển, nhất là trong bối cảnh các cuộc xung đột trở nên phức tạp hơn. Với việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi tiến trình hòa bình, bà khẳng định phụ nữ sẽ có thêmtiếng nói và đóng góp thực chất vào việc hoạch định chính sáchvà tham gia tích cực hơn vào quá trình thương lượng hòa bình.
Các diễn giả tham dự Hội thảo đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, phong phú, thực chất với thành phần đa dạng từ các chuyên gia của UN Women, các cơ quan LHQ cho đến đại diện các quốc gia đã triển khai CTHĐQG về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Qua đó các cơ quan liên quan của Việt Nam có cái nhìn tổng thế, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã xây dựng và triển khai CTHĐQG về các vấn đề như cách thức quản lý, phân bổ ngân sách và giám sát các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình.
Nguồn: Báo lao động thủ đô