Thử nghiệm động cơ tên lửa chạy bằng rác thải nhựa

Thử nghiệm động cơ tên lửa chạy bằng rác thải nhựa

MTĐT –  Thứ ba, 07/12/2021 15:57 (GMT+7)

Một nhóm kỹ sư của công ty Pulsar Fusion đã tiến hành thử nghiệm trên mặt đất động cơ tên lửa chạy bằng chất thải nhựa tại căn cứ quân sự của Bộ Quốc phòng Anh ở Salisbury. 

Video ghi lại cuộc thử nghiệm của Pulsar Fusion trên đã được chia sẻ trên YouTube.

Công ty Pulsar Fusion, có trụ sở tại Vương quốc Anh, được thành lập để tìm cách sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân làm nguồn điện, cho cả sản xuất điện và đẩy tên lửa. Mới đây, Pulsar Fusion đã đặt mục tiêu phát triển một động cơ tên lửa chạy bằng chất thải nhựa.

Pulsar Fusion gọi dự án của họ là một tên lửa “xanh”. Tên lửa này sử dụng nhiên liệu “lai” – trộn polyethylene mật độ cao (HDPE) thu được từ nhựa tái chế với chất ôxy hóa nitơ oxit. Hỗn hợp nhiên liệu được đưa vào buồng đốt, lưu trữ dưới áp suất cho đến khi được đốt cháy. Pulsar lưu ý, nguyên liệu mà họ sử dụng có trong nhiều loại sản phẩm, chẳng hạn như dụng cụ làm bếp và đường ống, vì vậy nguồn cung rất dồi dào và rẻ tiền.

Họ cũng cho biết, thử nghiệm ban đầu không chỉ tạo ra lực đẩy mà còn tạo ra sóng xung kích kim cương – mẫu hình sóng thường xuất hiện trong ống xả siêu thanh của hệ thống đẩy hàng không vũ trụ, chẳng hạn như động cơ phản lực siêu âm, tên lửa, hoặc máy bay phản lực.

Pulstar còn thông báo sẽ sớm tiến hành một thử nghiệm khác để giới thiệu công nghệ cho một khách hàng ẩn danh đang quan tâm đến công nghệ này. Họ xác nhận rằng thử nghiệm ban đầu đã diễn ra theo đúng kế hoạch và hài lòng với kết quả, gọi đây là thời điểm “quan trọng” trong lịch sử tên lửa.

Một số công ty tên lửa khác đã thử nghiệm dùng chất thải nhựa làm nhiên liệu, chẳng hạn như Virgin Galactic vào năm 2014 nhưng sau đó từ bỏ khi thử nghiệm diễn ra không như mong đợi. Có vẻ như Pulsar Fusion đã đạt được một bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ này, vì gần đây họ thường xuyên công bố các kế hoạch liên quan đến động cơ tên lửa chạy bằng nhiên liệu tái chế – hãng cho biết có dự định sử dụng tên lửa này để đưa vệ tinh vào quỹ đạo và thậm chí đưa con người vào không gian.

Tùng Anh (T/H)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích