Đà Lạt hướng đến không gian đô thị “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa XI vừa ban hành Nghị quyết về phát triển TP. Đà Lạt giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quyết tâm xây dựng Đà Lạt thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm quốc tế gắn với quy hoạch phát triển “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.

Một góc TP. Đà Lạt.

Mục tiêu nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; mở rộng không gian đô thị, quản lý tốt quy hoạch gắn với quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025: Hoàn thành xây dựng thành phố thông minh, phát triển toàn diện, bền vững hướng đến văn minh hiện đại; có mức thu nhập trung bình cao. Giai đoạn 2025 – 2030: Xây dựng thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; có mức thu nhập tiếp cận ngưỡng thu nhập cao. Tầm nhìn đến 2045: Phát triển Đà Lạt là thành phố du lịch, dịch vụ hiện đại; hạ tầng hiện đại, thông minh gắn với nền kinh tế số, xã hội số; có mức thu nhập cao.

Theo Nghị quyết, trong phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Lạt, du lịch – dịch vụ đóng vai trò quan trọng. Cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa, di sản tầm quốc gia, quốc tế. Phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch thông minh, kinh tế ban đêm để đưa du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, phát triển mang tầm cỡ quốc tế, là yếu tố quyết định trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố; triển khai các giải pháp tái cơ cấu, sớm khôi phục và mở rộng hoạt động du lịch, dịch vụ sau đại dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và Đankia – Suối Vàng, khu du lịch hồ Prenn…

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống thương mại dịch vụ; khuyến khích đổi mới, đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu du lịch lễ hội, vui chơi, giải trí, thể thao, mạo hiểm, tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, khám phá giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan. Có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực trung tâm thành phố với các loại hình phong phú, hấp dẫn…

Khu vực Hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt.

Đối với nông nghiệp, chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn với giảm diện tích nhà kính, nhà lưới, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng TP. Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị mới trong nông nghiệp; phát triển mạnh kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên lĩnh vực giống cây trồng sạch bệnh bằng công nghệ sinh học, xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng của cả nước và khu vực châu Á.

Đối với quy hoạch và quản lý đô thị, nhiệm vụ đặt ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch và đô thị giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tích hợp đồng bộ, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, có điều chỉnh, bổ sung và phát triển các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch chung lĩnh vực xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác. Mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng Đà Lạt thành đô thị hiện đại gắn với quy hoạch phát triển “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” trên cơ sở chỉnh trang, bảo tồn cảnh quan, kiến trúc và các di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa.

Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, cần mở rộng kết nối không gian đô thị TP. Đà Lạt theo mô hình đa cực, chia sẻ chức năng với vùng phụ cận. Phối hợp thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư xây dựng khu trung tâm thành phố hiện đại, chỉnh trang khu Trung tâm Hòa Bình theo đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị; tổ chức quy hoạch phát triển đô thị vùng cận trung tâm. Đầu tư nâng cấp, cải tạo mạng lưới giao thông nội thị, phát triển hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại, đường vành đai, mở rộng đường đèo Prenn; đầu tư giao thông ngầm, các bãi đỗ xe ngầm, nổi tại khu vực trung tâm thành phố theo hướng xã hội hóa.

Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt).

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc sử dụng đất hợp lý, phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục chất lượng cao, khu dân cư cao cấp, khu nghĩ dưỡng sinh thái hiện đại. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đô thị Đà Lạt tăng trưởng xanh và bền vững; tổ chức thí điểm “làng đô thị xanh”, “nông nghiệp đô thị” gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Từng bước sắp xếp, quy định mật độ và các vùng được xây dựng nhà kính, nhà lưới nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị; làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án tái định cư. Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, triển khai các giải pháp nâng cao độ che phủ của rừng năm 2025 đạt 53%, phấn đấu đến năm 2045 đạt trên 60%. Tăng cường các nguồn lực hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh đến năm 2025./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích