Gia Lai: Gỗ lậu “vượt sông” Sê San
Gia Lai: Gỗ lậu “vượt sông” Sê San
Sau khi gom đủ gỗ từ phía bên kia biên giới Campuchia, lần lượt từng lóng gỗ được đưa lên ghe máy chuyển về bến đò thuộc làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai. Hoạt động mua bán, vận chuyển bất hợp pháp này diễn ra mỗi ngày tại khu vực biên giới.
Sau nhiều ngày theo dõi, nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận các hoạt động mua bán gỗ trái phép diễn ra ngay tại bờ sông tại phà 6 thuộc khu vực biên giới xã Ia O.
Ngay từ sáng sớm, nhiều thanh niên di chuyển đi từ làng Bi, xã Ia O tiến về khu vực phà 6 trên dòng sông Sê San.
Tiếp đó, nhóm người này tiếp tục sử dụng các ghe máy để qua lại bờ sông, đồng thời những chiếc ghe máy cũng là công cụ để nhóm mua bán đưa gỗ nhập lậu trái phép từ bên kia biên giới thuộc lãnh thổ Campuchia về bãi tập kết trước khi đưa đi tiêu thụ ở nơi khác.
Theo ghi nhận, sau khi ghe máy di chuyển đến bờ bên kia thuộc biên giới Campuchia, thì cũng là lúc nhóm người điều khiển xe máy chở từng lóng gỗ được xẻ vuông đưa đến bờ sông.
Tại đây, sau khi các bên thỏa thuận và đo khối lượng, từng lóng gỗ trên xe máy được đưa xuống ghe máy chờ sẵn dưới lòng sông. Cứ như vậy, hoạt động mua bán gỗ diễn ra liên tục, khi đủ khối lượng gỗ chiếc ghe máy lại được khởi động, để đưa gỗ cập bờ bên kia tại làng Bi để đưa về điểm tập kết bí mật. Hoạt động mua bán gỗ trái phép này diễn ra từ sáng đến chiều tối thì kết thúc.
Để di chuyển được vào khu vực bờ sông nơi diễn ra hoạt động mua bán gỗ nêu trên, cả người và phương tiện ra vào bến phà 6, cũng như đưa được gỗ về tập kết tại làng đều phải di chuyển qua chốt trực do lực lượng biên phòng quản lý. Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào, việc mua bán, vận chuyển gỗ trái quy định pháp luật vẫn cứ diễn ra, lượng gỗ lậu theo đó được đưa ra khỏi khu vực biên giới mỗi ngày.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với đó hoạt động người dân qua lại, mua bán gỗ trái phép diễn ra tại khu vực biên giới không được kiểm soát chặt chẽ càng khiến cho công tác quản lý dịch bệnh trở nên khó khăn và nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.
Việc mua bán, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra tại biên giới xã Ia O mỗi ngày tại xã biên giới được PV ghi nhận, tuy nhiên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở đâu? Việc kiểm soát dịch bệnh tại khu vực biên giới do cơ quan nào quản lý? Nhóm người buôn bán gỗ nhập lậu này là ai cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị