Cần 156.000 tỷ đồng hoàn thiện đường Vành đai 3 TP.HCM

Cần 156.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đã cập nhật trị giá tổng mức đầu tư theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, để đầu tư hoàn chỉnh khép kín toàn tuyến, nguồn vốn có thể lên tới 156.000 tỷ đồng.

Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài toàn tuyến là 91,66km. Để hoàn thiện tuyến đường này, theo Bộ GTVT phải cần nguồn vốn lên đến 156.000 tỷ đồng
Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài toàn tuyến là 91,66km. Để hoàn thiện tuyến đường này, theo Bộ GTVT phải cần nguồn vốn lên đến 156.000 tỷ đồng.

Theo thiết kế, ở giai đoạn hoàn thiện, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ có mặt cắt ngang 8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, đường Vành đai 3  chỉ đầu tư một đường cao tốc ở giữa với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe và đường song hành hai bên với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 2 làn xe. Trên cơ sở quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và chủ trương ưu tiên nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT dự kiến chia đường Vành đai 3 TP.HCM ra thành các dự án thành phần.

Cụ thể, các dự án đường song hành giai đoạn hoàn thiện cần nguồn vốn là 64.967 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 1, nguồn vốn cần 51.777 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 44.229 tỷ đồng. UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với đường cao tốc, tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn hoàn thiện là 91.889 tỷ đồng, riêng giai đoạn 1 là 30.822 tỷ đồng. Bộ GTVT đề xuất UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện đối với toàn bộ phần đường cao tốc, ưu tiên triển khai đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.

Bộ GTVT đang yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan trong đó có UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An sớm cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10/2021.

Theo Bộ GTVT thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị tư vấn rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp và phương án đầu tư. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành báo cáo NCTKT. Theo đó, phạm vi dự án điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An, dài 91,66km.

Chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt cách đây hơn 10 năm, nhưng hiện nay mới chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (dài 16km) qua tỉnh Bình Dương hoàn thành và khai thác.

Hiện tuyến đường này mới hoàn thành và đưa vào khai thác 16km đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Hiện tuyến đường này mới hoàn thành và đưa vào khai thác 16km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn qua địa phận tỉnh Bình Dương.

Mới đây hai dự án thành phần 1A và 1B, dài gần 18km, thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch được Bộ GTVT phê duyệt. Theo đó, dự án 1A dài hơn 8,7km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 6,3km, còn lại qua TP.HCM.

Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dự án thành phần 1A đang triển khai thiết kế kỹ thuật. Dự kiến công tác thiết kế kỹ thuật sẽ hoàn thiện để lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công vào quý III/2021.

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiến độ khả quan khi đã lập hồi đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án và đang tiến hành chi trả bồi thường.

Trong khi đó tại TP.HCM, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn rất chậm. Cụ thể, theo Ban QLDA Mỹ Thuận, đến nay TP.HCM vẫn chưa thông báo thu hồi đất, tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác định tình trạng pháp lý của đất… Đây là những công việc quan trọng, mất rất nhiều thời gian, có tính quyết định đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.HCM, theo quyết định từ năm 2016 của Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng dự án Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1, khoảng 148,91 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Thành phố. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, UBND quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) lúc đó báo cáo tổng mức bồi thường đã tăng lên 1.835,9 tỷ đồng.

Như vậy, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án thành phần 1A hiện nay đã là 2.477,12 tỷ đồng (TP.HCM là 1.835,90 tỷ đồng, Đồng Nai là 641,22 tỷ đồng), trong khi tổng vốn đầu tư của dự án chỉ hơn 7.182 tỷ đồng.

Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, với việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện như trên, công tác bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM sẽ không thể hoàn thành để bàn giao mặt bằng, khởi công dự án vào quý III/2021 như kế hoạch./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích