Đảm bảo an sinh xã hội cho lái xe công nghệ
Vẫn còn “khoảng trống” lớn về pháp luật
Chị Nguyễn Thị Nhung (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) gia nhập đội ngũ lái xe Grab được hơn 2 năm nay, cho biết: Trước thời điểm dịch bệnh, công việc đều, nếu chạy chăm chỉ, cật lực (từ 6h sáng đến 6h tối), ngày cao điểm chi cũng có thể kiếm được 400-500 ngàn đồng/ngày. Không mất vốn như quán hàng ăn cũ, chỉ cần có sức khỏe và chăm chỉ nên chồng chị cũng mới tham gia chạy xe Grab. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, phải tạm dừng chạy xe khiến nguồn thu nhập của cả nhà bấp bênh.
Không có thu nhập, cũng không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác vì không thuộc đối tượng lao động có quan hệ lao động, gia đình chị thực sự gặp không ít khó khăn. “Cũng là lao động nữ, cùng đi làm như nhiều hàng xóm khác, nhưng chị em được hưởng trợ cấp Covid, rồi ốm đau, thai sản… Mình cũng là người lao động, chỉ muốn được hưởng các chế độ và các chính sách an sinh như bao người khác mà không được”, chị Nhung chia sẻ.
Chị Trần Thị Ngọc Ngà bày tỏ mong muốn được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, để mỗi khi đi làm yên tâm hơn, được đảm bảo quyền lợi tốt hơn. Ảnh: B.D |
Chị Nhung cho biết, để chăm lo sức khỏe cho bản thân, chị đã tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện được 2 năm nay và rất mong có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu và một số chế độ khác, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh, làm được đến đâu chỉ đủ lo sinh hoạt gia đình đến đó nên chưa có điều kiện tham gia. “Các cơ quan có thể tính toán, cân nhắc cho chúng tôi trả dần theo các chuyến xe, may ra còn có cơ hội tiết kiệm để tham gia được bảo hiểm xã hội”, chị Nhung đề xuất.
Cũng như chị Nhung, chị Trần Thị Ngọc Ngà, làm đối tác cho Grab được gần 3 năm nay cho biết: Chúng tôi cảm thấy rất thiệt thòi vì không được hưởng chế độ gì. Hiện, chúng tôi đã tự mua bảo hiểm y tế để được hưởng sự hỗ trợ nếu không may bị ốm đau, bệnh tật, nhưng chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội. Chỉ mong được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, để mỗi khi đi làm yên tâm hơn, được đảm bảo quyền lợi tốt hơn.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm về Báo cáo khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng tổ chức chiều 30/11, TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết – Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn phát triển (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cho biết: Theo một báo cáo khảo sát tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (năm 2020) cho thấy: Thu nhập của tài xế xe công nghệ khoảng 9,6 triệu đồng/tháng cho tài xế xe ôm, và 4,7 triệu đồng/tháng cho tài xế xe taxi.
Qua ghi nhận chung, cơ hội việc làm của các tài xế công nghệ cũng đi kèm thách thức, rủi ro, để có thu nhập, tài xế xe công nghệ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, bất chấp hiểm nguy; thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, đặc biệt phải đối mặt với rủi ro cao như tai nạn nghề nghiệp, nguy cơ bị xâm hại… “Tóm lại, tài xế vẫn là bên yếu thế trong quan hệ 3 bên: Công ty, khách hàng và tài xế”, TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết nhận định.
Những nghiên cứu cũng cho thấy, tài xế làm việc trung bình từ 8 đến 13 tiếng (toàn thời gian); trung bình 5-6 tiếng/ngày (bán thời gian). Do tính linh hoạt, chủ động về thời gian, tình trạng làm việc nhiều giờ/ngày, vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ Luật Lao động là khá phổ biến. Thời gian làm việc trung bình là 11 giờ/ngày và 28 ngày/tháng.
Như vậy, so sánh với giới hạn pháp lý về số giờ làm việc của Bộ luật Lao động năm 2019 thì số giờ làm việc trung bình một ngày của tài xế gần ở ngưỡng giới hạn tối đa 12 giờ/ngày. Đáng chú ý, có đến gần 23% tài xế xe ôm công nghệ chạy xe ban đêm, khung giờ từ 10 giờ đêm hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau.
Theo TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, vẫn còn “khoảng trống” lớn về pháp luật khi tài xế xe công nghệ không được bảo vệ bởi Bộ luật Lao động về ngày nghỉ có lương, kể cả nghỉ vì công việc như sửa xe, bảo trì xe, hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn. Ở khía cạnh giới, với tài xế nữ, còn thêm nỗi lo khác là bị quấy rối, xâm hại tình dục… “Cội rễ” chính ở đây là các tài xế xe công nghệ đang ký là Hợp đồng đối tác, không phải Hợp đồng lao động, do đó quan hệ lao động nằm ngoài khuôn khổ Bộ luật Lao động điều chỉnh. Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này, do đó, lái xe công nghệ không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người ký hợp đồng lao động, không có các chế độ phúc lợi xã hội nào khác…
7 khuyến nghị nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho tài xế công nghệ
Theo số liệu từ Công ty Grab, cả nước có khoảng 200.000 lái xe là đối tác của Grab (cả xe máy và ô tô), trong đó: Phần lớn tài xế thuộc độ tuổi 25-35 tuổi. Khoảng gần một nửa số này làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, 50% trong số họ là người từ các tỉnh khác đến thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; 95% làm việc cả ngày từ (6-12 tiếng)…
Ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trình bày các khuyến nghị góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội cho các tài xế công nghệ. |
Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng, tài xế công nghệ tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn: 66,7% muốn được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ trực tiếp; 45,5% hy vọng Công ty Grab tư vấn, hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội; 24,2% cho rằng sẽ thuận lợi hơn nếu được địa phương hỗ trợ và 53% mong muốn tham gia một hội, nhóm, câu lạc bộ… dành cho lái xe. |
Để góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) tiến hành tổ chức “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm” với đội ngũ lái xe công nghệ Grab đang hoạt động tại Hà Nội.
Đồng thời, nghiên cứu cũng tìm hiểu rõ hơn những quan điểm từ các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đánh giá thực trạng và khuyến nghị các giải pháp thu hẹp “khoảng trống chính sách”, thúc đẩy độ bao phủ toàn dân của Hệ thống an sinh xã hội nước ta.
Từ kết quả khảo sát, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khuyến nghị: Cần có nghiên cứu sâu và rộng để tìm hiểu rõ về điều kiện việc làm, nhu cầu, trở ngại để tăng cường sự tham gia vào các chương trình an sinh xã hội của lái xe công nghệ.
Với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần tổ chức nghiên cứu và ban hành hướng dẫn cụ thể về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng, các chế độ an sinh xã hội nói chung và cho đối tượng đặc thù như lái xe công nghệ nói riêng trong thời gian tới góp phần thực hiện chủ trương tiến tới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân.
Đồng thời, cần tiếp tục sửa đổi nhằm tăng sự hấp dẫn, công bằng hơn giữa các loại hình bảo hiểm. Trong đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện nên cân nhắc tính khả thi giữa việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp hay gia tăng quyền lợi hưởng (tổng phần đóng góp không đổi). Đồng thời cần có quy định khuyến khích đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối hỗ trợ các lái xe tham gia các chế độ an sinh xã hội của Nhà nước, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị: Trên cơ sở thống nhất với lái xe, Công ty Grab hỗ trợ phần mềm trích nộp tiền tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm hỗ trợ lái xe Grab tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội khi điều kiện thực tế cho phép./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô