Đắm mình trong không gian thiên đường xanh ở Vườn quốc gia Cúc Phương
Men theo những con đường quanh co, du khách được chiêm ngưỡng vẻ cao lớn, uy nghi của những cây chò, cây sấu ngàn năm tuổi, khám phá thế giới của những loài côn trùng và động vật hoang dã.
Hệ thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới tại Vườn quốc gia Cúc Phương. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) |
Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa lịch sử, Vườn Quốc gia Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
Cách thủ đô Hà Nội 120km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, Vườn Quốc Gia Cúc Phương nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hóa có diện tích 22.408ha.
Được thành lập ngày 7/7/1962 theo quyết định 72-TTg của Thủ tướng chính phủ, Cúc Phương đã trở thành Vườn Quốc Gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam.
Là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, Cúc Phương là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng. Nơi đây không chỉ đặc biệt về một thảm thực vật xanh được nuôi dưỡng và phát triển qua hàng ngàn năm, mà còn là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật quý hiếm… Chính sự đa dạng sinh học đã giúp Cúc Phương được vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Kiểu rừng đặc trưng của Cúc Phương là rừng mưa nhiệt đới với cây cối xanh quanh năm. Nhờ đó mà ngay từ khu cổng chào, du khách sẽ cảm nhận được không gian thoáng đãng cùng sự trong lành, tĩnh mịch nơi rừng già.
Vườn quốc gia Cúc Phương hiện có 2.234 loài thực vật, chiếm 17,27 % trong tổng số loài thực vật của Việt Nam. Bước vào rừng già nguyên thủy của Cúc Phương, con người cảm thấy sững sờ, nhỏ bé khi lọt vào thế giới hoang sơ đậm màu xanh kỳ vĩ trường tồn. Hàng chục người ôm mới hết chu vi những cây đại thụ tuổi ngàn năm cao trọc trời từ 45m đến 75m, sống âm thầm trước bão táp nắng mưa mà trở lên khổng lồ.
Để đứng vững chúng phải có bộ rễ thật đồ sộ, phần chìm sâu dưới lòng đất, phần nổi dựng đứng như thành, chạy dài hàng chục mét. Như cây Đăng cổ thụ cao 45m, đường kính 5m; Cây vù hương cao 45m, đường kính 2,5m; Cây chò chỉ cao 70m, đường kính 1,5m với hệ thống bạnh vè cao chừng 10m chạy dài 20m tựa như bức tường thành; Cây chò xanh ngàn năm cao 45m chu vi gốc 25m.
Men theo những con đường quanh co, du khách được chiêm ngưỡng vẻ cao lớn, uy nghi của những cây chò, cây sấu ngàn năm tuổi với thân cao lớn, tán xòe rộng phủ bóng cả một vùng. Xen giữa sự xanh tươi, còn là muôn sắc màu từ nhiều loài hoa, lặng lẽ tô điểm thêm nét ban sơ mà hùng vĩ. Thảng hoặc đâu đó tiếng chim hót vang khu rừng, như chào đón người lữ khách đến với ngôi nhà thân yêu của chúng.
Chẳng thua kém thế giới thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất Cúc Phương có 135 loài thú, 336 loài chim, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá và gần 2000 loài côn trùng. Trong các loài thú ở Cúc Phương, nhiều loài đã được xếp vào loại quý hiếm, như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, … và nhiều loài đặc hữu như sóc bụng đỏ, các loài linh trưởng như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, vượn.
Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương là nơi chăm sóc, cứu hộ và chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam để trả chúng về với môi trường sống tự nhiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Đặc biệt, ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng quý hiếm, không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoài Việt Nam, đó là loài Voọc mông trắng. Chính vì vậy, loài voọc này đã được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Thế giới côn trùng ở Cúc Phương cũng đa dạng muôn hình muôn vẻ. Trước những kẻ thù, các loài côn trùng nhỏ bé yếu đuối, chỉ có cách ẩn mình trốn tránh. Có loài được tạo hóa cho phép tàng hình, như loài bọ lá thân hình giống như chiếc lá tươi khi chúng ẩn mình hoà vào cỏ cây thì khó có đôi mắt tinh tường nào biết được. Còn loài bọ que giống hệt cành cây nhỏ, khẳng khiu, ngộ nghĩnh, đây cũng thực sự là những kiệt tác của tạo hóa. Mùa bướm nở, rừng già như trẻ lại, tưng bừng lấp lánh ánh vàng, bướm nhiều vô kể đủ dạng, đủ màu phơi bày một bức tranh kỳ ảo. Bởi vậy Cúc Phương được chọn là điểm đến của nhiều du khách trong kỳ nghỉ hè.
Ở Cúc Phương có Đỉnh Mây Bạc, là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình, tựa như một đài quan sát tự nhiên. Đứng tại đỉnh núi, du khách sẽ thu trọn cảnh mây trời và rừng già vào tầm mắt. Vào ngày trời quang, nếu may mắn, du khách có thể ngắm nhìn kinh đô cổ Hoa Lư nơi chân trời phía xa.
Không chỉ nổi tiếng bởi nét đẹp của rừng xanh, vườn quốc gia Cúc Phương còn thu hút các nhà khoa học, học sinh, sinh viên tới đây mỗi năm bởi nơi đây còn có Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã lớn nhất nước. Những cá thể đưa tới đây chủ yếu là tê tê, rùa đá, cầy vằn… đặc biệt là voọc đen mông trắng – một loài linh trưởng quý hiếm với nguy cơ bị đe dọa cao. Đây cũng thực sự là những tài nguyên du lịch không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có giá trị rất cao về giáo dục ý thức bảo tồn thiên nhiên, môi trường.
Tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương, du khách cũng nên chọn thời điểm thích hợp như khoảng tháng 2 đến tháng 4 là mùa thích hợp để xem các loại chim như gà lôi, gỉ cùi, khướu đá hoa, cắt nhỏ bụng trắng. Cuối tháng 4 đầu tháng 5 là mùa bướm rừng ở Cúc Phương. Thời điểm này, vườn quốc gia Cúc Phương xuất hiện hàng nghìn con bướm đủ màu sắc tạo nên khung cảnh lộng lẫy, thơ mộng. Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết nắng đẹp phù hợp cho các hoạt động tham quan dã ngoại.
Tháng 5 là thời điểm đẹp nhất tại rừng Cúc Phương với hàng triệu con bướm khoe sắc ngợp trời. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) |
Thiên nhiên Cúc Phương thật là kỳ thú, trên những tuyến đường mòn trong rừng sâu mà điểm dừng chân là những cây cổ thụ, những hang động, những bản làng… du khách sẽ được khám phá thêm bao điều bí ẩn của thiên nhiên.
Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, say đắm lòng người ấy du khách sẽ cảm nhận được những giá trị đích thực của thiên nhiên. Trong không gian yên tĩnh tâm hồn du khách trở lên trong sáng hơn, thanh tao hơn, thánh thiện hơn, con người với thiên nhiên được hòa quyện trong vòng tay lớn, từ đó có thêm tình yêu thiên nhiên, trân trọng và ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên./.
Nguồn: Báo xây dựng