Độc đáo làng đá ong ven biển
Cùng với sự biến thiên của vạn vật, đá ong dần vắng bóng, nhưng tại một ngôi làng ven biển miền Trung, dưới lớp rong rêu kia, đá ong vẫn đang “sống”, vẫn thở những nhịp bình yên giữa sự hối hả, xô bồ của thời hiện đại.
Ngôi nhà đá ong của ông Nguyễn Ngọc Thanh. Ảnh: Hà Thương |
Xóm đá ong
Trời vừa sáng rõ, trong lúc vợ đi chợ, ông Nguyễn Ngọc Thanh 65 tuổi, xóm Hải Nam, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tranh thủ quét dọn nhà cửa, sửa sang bàn thờ tổ tiên.
“Đây là nhà thờ ông bà nên phải thường xuyên quét tước, dọn dẹp. Mấy năm trước thấy nhà cũ quá nên cũng tính đập ra xây lại, nhưng mấy đứa em đi làm ăn xa trong Nam điện thoại về cản, sửa thì được, phá thì không. Tụi nó bảo giờ còn mấy nhà xây bằng đá ong đâu, ráng mà giữ”, ông Thanh cười khà khà.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh – chủ nhân ngôi nhà đá ong |
Nhấp ngụm trà xanh, ông Thanh đưa mắt nhìn khắp gian nhà thờ, chầm chậm kể: “Nhà này tới nay chắc cũng hơn trăm năm rồi, trước kia của ông cố, sau tới ông nội, ba tui rồi tới tui. Hồi trước giải phóng, nhà này từng bị lính Mỹ đi càn đốt cháy vào 1969, tới năm 1977 đi tản cư về sửa chữa lại. Chủ yếu phần mái với cửa, chứ tường đá ong thì biết tới bao giờ mới hư”, ông Thanh tự hào.
Đưa tay chạm nhẹ vào tường đá, ông Thanh nói tiếp: “Ông già (cha – PV) kể lại, xây cái nhà này là đặt từng viên đá chồng khít lên nhau. Sau đó đi hái lưỡi long trơn (một loại cây thuộc họ xương rồng) với dây tơ hồng, giã nhỏ lấy chất nhớt, hầm đá vôi trộn cát hạt to, cũng là lấy trong cái động gần biển, thêm vào mật mía, ủ gần tháng thành hỗn hợp sệt, rồi mang ra trít các khe hở hoặc tô bên ngoài đá ong. Thời đó làm gì có xi măng, toàn dùng nguyên liệu sẵn có, ông bà truyền lại cho cách làm. Bây giờ mấy thứ này khó kiếm hoặc không còn nữa”.
Theo ông Thanh, nhà đá ong có điểm đặc biệt là giữ được hơi ấm vào mùa đông, mát mẻ khi sang hè. Không những vậy, khi có giông bão thì sức chịu đựng của nó tốt hơn nhiều so với nhà cấp 4 xây bằng gạch, vôi vữa thông thường. “Nhà bị giặc đốt mà cũng chỉ hư lớp vỏ trít bên ngoài, nói chi đến mưa, bão”, ông Thanh cười sảng khoái.
Hiện nhà thờ nơi ông Thanh đang trông nom, chăm sóc là một trong những ngôi nhà hiếm hoi ở Bình Hải giữ được nguyên bản “cốt” đá ong, không tô trát xi măng, vôi vữa. Đá ong được sử dụng từ gian nhà chính đến gian nhà bếp, đến tận hàng rào và bậc cấp. So với đá ong làm nhà, đá làm bờ tường, hàng rào thường sẫm màu, thô nhám hơn.
Men theo bờ đá ong phủ đầy rêu xanh được xếp dài trước ngõ nhà ông Thanh, đi sâu vào trong xóm Hải Nam sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà còn giữ lại dấu xưa. Nơi là gian nhà bếp, nơi là giếng nước, tường rào, được xây bằng đá ong. Không khí làng quê yên bình, trong trẻo, đằng sau những viên đá xù xì, thô nhám dường như ẩn chứa vẻ đẹp xa xưa và chất chứa bao thăng trầm của lịch sử.
Giếng đá ong ở thôn Vạn Tường |
Cách nhà ông Thanh chừng vài chục mét là nhà bà Đặng Thị Hương, 67 tuổi. Khác với ông Thanh, bà Hương đã phá dỡ gian trước của ngôi nhà để xây mới, chỉ giữ lại phần gian bếp đá ong. Phía trước sân nhà, cái giếng đá ong hơn trăm năm tuổi ăm ắp nước, trong veo. “Giếng này đào từ lâu lắm rồi, thời trước truyền lại. Nghe bảo khi đào tầm chục mét thì gặp đá ong non và mạch nước ngầm. Bao nhiêu năm qua, nước vẫn rất trong, ngọt, thanh mát”, bà Hương nói.
Theo các cụ cao niên, với đặc tính bền, lại sẵn có nên từ xa xưa, nhiều gia đình dùng đá ong để làm nhà cửa. Từ khoảng năm 1995 trở lại đây, cùng với sự phát triển của các loại vật liệu xây dựng, đá ong dần ít được ưa chuộng. Những ngôi nhà đá ong quá lâu đời được đập ra xây mới bằng tường gạch, nhiều nhà khác lại tô trát xi măng bên ngoài lớp đá ong chứ không để thô như trước. Hiện nay, chỉ còn xóm Hải Nam, thôn Vạn Tường là nơi giữ nhiều kiến trúc làm từ đá ong.
Di tích chiến thắng Vạn Tường cũng làm từ đá ong |
Một thời vang bóng
Các xã phía đông huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đều có nhiều mỏ đá ong, trong đó có Bình Hải. Đá ong ở đây được khai thác đưa đi tiêu dùng khắp trong và ngoài địa phương. Những người làm nghề khai thác loại đá này được gọi dân dã là “đánh đá ong”. “Thời thịnh vượng, trong làng có 100 thanh niên thì cũng có đến 50 người đi đánh đá ong. Bình Hải nhiều nơi có đá ong lắm, rải khắp ở Thanh Thủy, Vạn Tường, An Cường…? Hồi đó nhiều nơi ở Bình Sơn, người ta đều dùng loại đá này xây dựng nhà cửa, công trình”, ông Bùi Văn Lực 67 tuổi, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, nhớ lại.
Thời trai tráng, ông Lực cũng là thợ đánh đá ong lành nghề, ngược xuôi khắp các mỏ đá trong xã, nuôi sống cả gia đình. Mỏ đá có nhiều dạng, nơi nhô hẳn trên mặt đất, nơi lại chìm sâu hàng mét dưới lớp đất màu. Người đánh đá ong dùng hai dụng cụ để hành nghề là cái rìu lưỡi dày và cái dố (một dụng cụ như cái đục bằng sắt) để chặt đẽo thành hình những viên đá.
“Thôn Vạn Tường là vùng đất có nhiều đá ong do thiên nhiên ban tặng. Nơi đây còn giữ được nhiều công trình, nhà cửa bằng đá ong, tạo không gian yên bình, xưa cũ hiếm hoi giữa thời đại công nghiệp, đô thị hóa. Địa phương cũng mong muốn được gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo ở vùng đá ong hàng trăm năm tuổi này”. Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải |
“Nghề đánh đá ong làm chủ yếu vào mùa nắng, mùa mưa nước ngập không làm được. Để có được những viên gạch đá ong vuông thành sắc cạnh, cũng rất vất vả. Nghề này còn dễ xảy ra tai nạn, thường là gãy, dập tay chân vì khi khiêng đá nặng quá, gãy thanh đòn, đá rơi trúng. Mấy năm nay lớn tuổi rồi nên con cháu không cho đi đánh đá nữa”, ông Lực nói.
Theo chia sẻ của những người làm nghề đánh đá ong, khi ở dưới nước sâu, đá ong có đặc tính mềm dẻo và thấm nước. Nhưng khi được khai thác, đưa lên mặt đất thì sẽ trở nên kết dính và tạo thành khối đá rắn chắc. Loại đá này hấp thụ nhiệt kém, tỏa nhiệt nhanh. Thế nên, công trình sử dụng vật liệu đá ong mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Bờ rào, bậc cấp đá ong ở thôn Hải Nam. Ảnh: Hà Thương |
Thường mỗi viên đá ong dùng xây nhà có chiều dài 40 cm, độ dày từ 17 – 20 cm. Đá ong có 3 lớp. Lớp trên cùng gọi là đá bản, tiếp theo là đá thân và cuối cùng là lớp đá chân. Chỉ đến lớp chân mới lấy được những viên gạch có độ cứng, độ chịu lực tốt nhất. Đá ong tốt phải là đá không có những “lỗ ong” quá to, vì loại đá như vậy thường không được chắc chắn và cũng khó mài, gọt, dễ vỡ cạnh.
Nghề đánh đá ong bây giờ không còn được ưa chuộng như thời trước, phần vì ít người sử dụng vật liệu này trong xây dựng, phần vì thu nhập kém hơn các nghề khác. Lớp người cũ giờ đều đã lớn tuổi, có người qua đời, có người bỏ nghề vì yếu sức. Hiện còn một số người trẻ chủ yếu khai thác đá ong, xuất bán đi các địa phương khác để xây dựng nhà thờ hoặc một số công trình giả cổ.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho rằng, nhiều nơi ở Quảng Ngãi có đá ong, tuy nhiên riêng thôn Vạn Tường, xã Bình Hải thì đặc biệt hơn. Đá ong ở đây với đủ kích cỡ và lớn, sử dụng trong nhiều công trình như làm nhà, giếng, làm đường trong làng… “Về lâu dài nên có kế hoạch để giữ gìn loại di sản kiến trúc gắn với đá ong ở địa phương này”, ông Vũ nói.
Nguồn: Báo xây dựng