Gỡ vướng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế – xã hội, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Mặc dù nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị nhưng hiện còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế phát triển của Hà Nội. Đáng nói, có không ít mô hình đã khẳng định được vị thế, như: khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) với mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất; mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản, năng suất đạt 3 tấn/ngày…
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao F-Fame Mê Linh (huyện Mê Linh), F-Fame có hơn 3.800 m2 trồng lan hồ điệp với 7 vạn cây. Toàn bộ khu vực trồng lan này được đầu tư xây dựng nhà lưới, có hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng và tưới nước cho cây… giúp lan có thể phát triển ổn định trong mọi điều kiện thời tiết và kiểm soát được thời điểm ra hoa lại không cần sử dụng nhiều lao động.
Tuy đã khẳng định được hiệu quả, nhưng với 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố thì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của nông nghiệp Thủ đô. Đáng nói, từ cuối năm 2020 đến nay, thành phố vẫn chưa tăng thêm được mô hình nào.
Nguyên nhân chính là do còn rất nhiều khó khăn, “rào cản” đặt ra đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khi triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là về vốn, đất đai, cơ chế chính sách… ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao F-Fame Mê Linh cho biết, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn (gia đình đã đầu tư khoảng 27 tỷ đồng để thực hiện mô hình). Cụ thể, chi phí xây dựng 4 nhà lưới (mỗi nhà khoảng 1.000m2) có đầy đủ hệ thống điều hòa nhiệt độ là 12 tỷ đồng. Chưa kể việc lắp trạm biến áp riêng để có điện sản xuất và đầu tư cho giống hoa… thế nhưng, gia đình ông vẫn chưa nhận được bất cứ chính sách hỗ trợ nào của chính quyền.
Tháo gỡ khó khăn, khai thông nguồn lực
Thực tế cho thấy, các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa đồng bộ và khó vận dụng vào thực tế. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt thông tin, thời điểm hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới chiếm khoảng 15,7% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Các chính sách về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó áp dụng vào thực tiễn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Hà Nội Chu Phú Mỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp… tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành đủ định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng như ban hành các văn bản tháo gỡ vấn đề tích tụ ruộng đất để tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm so với yêu cầu thực tế… đây là những khó khăn khiến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội khó nhân rộng, rất cần được tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh những khó khăn, bất cập nêu trên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến; đồng thời, đẩy mạnh việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ nước ngoài. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử và trình độ sản xuất của người lao động… có như vậy, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh mới phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với vị thế của nông nghiệp Thủ đô…
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu