Phát triển dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị Hà Nội
Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch của Thành phố, Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại những đầu cầu trực tiếp, các thành viên tham dự thực hiện đúng theo quy định 5K của Bộ Y tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội người mù thành phố Hà Nội, cho biết: “Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng thuận lợi, khó khăn của hoạt động dịch vụ tẩm quất người khiếm thị và đề ra các giải pháp thích ứng, phát triển dịch vụ, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động chung sống an toàn trong đại dịch.
Quang cảnh Hội thảo |
Theo ông Trần Trung Hiếu, hiện có hơn 2.000 người khiếm thị đang trực tiếp hành nghề tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt trên địa bàn Thủ đô và cuộc sống của cả chục nghìn người thân đang hàng ngày, hàng tháng trông đợi vào kết quả công việc của họ. Cùng với đó là hàng chục, hàng trăm nghìn khách hàng đang sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của người khiếm thị để chăm sóc sức khỏe bản thân.
Điều này không chỉ xuất hiện tại Thủ đô nói riêng mà còn lan rộng ra trên nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cũng không phải chỉ là vấn đề kinh tế, xã hội, các sản phẩm xoa bóp của người khiếm thị còn mang trong đó một phần dòng chảy giá trị văn hóa y học cổ truyền của dân tộc.
Để nghề tẩm quất của người khiếm thị phát triển lành mạnh, đúng hướng, đem lại những giá trị cả về ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa xã hội cho cộng đồng là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Từ khi được cấp phép dạy nghề tẩm quất cho người khiếm thị năm 2014, Trung tâm dạy nghề đã tổ chức 3 kỳ hội thảo vào các năm 2014, 2019, 2021. Trung tâm cũng liên tục đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan và tìm những giải pháp, tháo gỡ từng vấn đề từ nhỏ đến lớn, đưa hoạt động của nghề này phát triển, mở rộng cả về lượng và chất, xứng đáng với vai trò không thể thiếu trong đời sống người khiếm thị và cộng đồng…
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích thực trạng về hoạt động dịch vụ tẩm quất trong bối cảnh hiện nay, những khó khăn thuận lợi và dự báo về những cơ hội đang ở phía trước; đồng thời tập trung thảo luận và đưa ra khuyến nghị, tạo sự chuyển biến thực sự cho nghề tẩm quất trong tương lai.
Nguồn: Báo lao động thủ đô