Sử dụng tài nguyên bền vững hơn
(Xây dựng) – Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đang buộc chúng ta phải nhìn nhận lại chính mình trong việc sử dụng nguồn tài nguyên trên trái đất.
Những diễn biến trong ba năm qua đã cho thấy, có những thời điểm chúng ta “sử dụng chậm lại” nguồn tài nguyên trên trái đất. Đó có thể là một điều mừng, nhưng cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng, đã có một thời kỳ chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có một cách thiếu kiểm soát.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
“Earth overshoot day – EOD” với tên tiếng Việt là “ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi”.
Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đang buộc chúng ta phải nhìn nhận lại chính mình trong việc sử dụng nguồn tài nguyên trên trái đất.
Những diễn biến trong ba năm qua đã cho thấy, có những thời điểm chúng ta “sử dụng chậm lại” nguồn tài nguyên trên trái đất. Đó có thể là một điều mừng, nhưng cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng, đã có một thời kỳ chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có một cách thiếu kiểm soát.
“Earth overshoot day – EOD” với tên tiếng Việt là “ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi” – Có thể hiểu một cách đơn giản, đó là cột mốc con người sử dụng hết tài nguyên mà tự nhiên có thể sản sinh, tái tạo trong năm đó. Năm 2019, EOD được tính vào ngày 29/7. Đến năm 2020, do khởi đầu của năm đại dịch Covid-19, EOD chậm hơn 24 ngày so với ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi của năm 2019 (Báo cáo nghiên cứu cho thấy, so với năm 2019, năm 2020, dấu chân các-bon đã giảm 14,5%, dấu chân lâm sản giảm 8,4% và không có sự thay đổi về dấu chân lương thực). Nhưng, năm 2021, EOD lại quay trở về ngưỡng của năm 2019. Theo Mạng lưới dấu chân toàn cầu, năm 2020, Covid-19 giúp giảm 9,3% dấu chân sinh thái của nhân loại, nhưng đến năm 2021, đà tiêu dùng của chúng ta lại tiến về ngưỡng của năm 2019.
Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi được tính toán bởi Global Footprint Network, bắt đầu đưa ra những dữ liệu trong thập niên 70 của thế kỷ trước.
Sự sống và sự đa dạng của hệ sinh thái trên Trái đất chính là nền tảng tạo nên sự thịnh vượng và hạnh phúc của loài người. Tuy nhiên, chúng ta lại đang khiến những tài nguyên quý giá này suy thoái một cách đáng báo động.
Hơn 100 năm qua, con người đã “hăng hái” thu nhặt tài nguyên trên cơ thể Mẹ Trái đất để sinh tồn và phát triển. Để rồi, ngày hôm nay và những thế hệ tiếp sau sẽ phải bắt tay vào hàn gắn và bồi trả lại những gì chúng ta đã lấy (dù chỉ là một phần nhỏ).
Trước hết là với biển. Việc phục hồi các đại dương và vùng ven biển có nghĩa là giảm áp lực lên các hệ sinh thái này để chúng có đủ thời gian phục hồi, cả theo cách tự nhiên lẫn tái nuôi cấy giống hoặc cấy ghép các loài chủ chốt.
Tiếp đến là các Hoang mạc – hệ sinh thái lớn nhất trên thế giới và chiếm khoảng 20% diện tích đất liền trên toàn cầu; Các hệ sinh thái rừng cũng đang phải chịu áp lực nặng nề từ tình trạng gia tăng dân số và nhu cầu cần thêm đất đai và các nguồn tài nguyên. Tính trên toàn cầu, con người chúng ta đang xóa sổ khoảng 7 triệu hecta rừng nhiệt đới mỗi năm.
Phân bổ tại hơn 180 quốc gia, đất than bùn là hệ sinh thái siêu mạnh mẽ với vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù chúng chỉ chiếm 3% diện tích đất liền trên thế giới, nhưng chúng dự trữ gần 30% lượng các-bon trong đất. Chúng có các chức năng quan trọng như kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt và hạn hán và cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho nhiều người. Đây cũng là nơi sinh trưởng của những loài thực vật và động vật quý hiếm chỉ có thể sống sót trong những môi trường sũng nước độc nhất này.
Các hệ sinh thái nước ngọt cũng đang bị suy thoái hết sức trầm trọng. Các con sông phải chịu thêm ảnh hưởng từ việc xây dựng đê đập, kênh đào và hoạt động khai thác cát sỏi. Các vùng đất ngập nước đang bị rút cạn để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, với khoảng 87% diện tích đã biến mất trên toàn cầu trong 300 năm qua và hơn 50% diện tích đã biến mất kể từ năm 1900. Một phần ba loài sinh vật nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã luôn quan tâm đến việc phục hồi hệ sinh thái bằng nhiều chương trình dự án cụ thể như phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế – xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên…
Theo GFN, con người hiện đang sử dụng nhiều hơn 60% tài nguyên so với khả năng Trái đất có thể tái tạo, nhiều như thể chúng ta sống trên 1,6 hành tinh, và đang trên đà cần đến tài nguyên của hai Trái đất trước năm 2050.
Còn nếu tiêu thụ tài nguyên như Việt Nam hiện nay, ngày 08/10, Trái đất mới vượt ngưỡng phục hồi.
Rõ ràng, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, khai thác tài nguyên vô độ đang khiến con người rơi vào tình trạng nguy hiểm do chính mình gây ra. Bởi thế, bắt đầu từ năm 2021, Chương trình thập kỷ khôi phục hệ sinh thái của Liên Hợp quốc là một cơ hội giúp xoay chuyển tình thế cũng như mang đến cho con người và thiên nhiên một tương lai bền vững.
Hãy nghĩ về tương lai, nếu không thay đổi, thời điểm con người không thể thích ứng được với tự nhiên sẽ sớm đến!
Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái cho tương lai là một mệnh lệnh từ trái tim với mỗi cá nhân, để hành tinh mãi xanh.
Nguồn: Báo xây dựng