Nông dân là “hạt nhân” của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp
Ngày 2/12, Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề: “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp”.
Sớm xây dựng kho dữ liệu số cho nông nghiệp Việt Nam
Đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội trên diện rộng, chính sách chuyển đổi số của Nhà nước đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của người dân, chuyển dần sang hình thức mua sắm trực tuyến khiến năm 2020 là năm bùng nổ của thương mại điện tử Việt Nam. Sách trắng thương mại điện tử ghi nhận con số tăng trưởng 18%, quy mô giao dịch đạt gần 12 tỷ USD trong năm này. Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy, đã có 49,3 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2020. Đây đều là những con số ấn tượng, chứng tỏ hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Để sớm hòa nhập và bắt kịp công cuộc chuyển đổi số quốc gia, người nông dân cần phải được tập huấn, đào tạo các nền tảng kiến thức cơ bản.
Tính đến tháng 11/2021, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành Việt Nam được đào tạo các kỹ năng số cơ bản như, sử dụng điện thoại thông minh, truy cập Internet, công cụ tìm kiếm điện tử… Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đem lại nhiều kết quả rõ rệt khi gần 50.000 sản phẩm nông sản đã được nông dân giao dịch thành công trên các sàn thương mại điện tử.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Việt Nam.
“Với kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp hàng năm lên đến 43 tỷ USD, thị trường xuất khẩu vươn tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, cần sớm xây dựng một kho dữ liệu số hóa, phục vụ cho mục tiêu hoạch định, phát triển chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị của ngành”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò và tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Lương Quốc Đoàn khẳng định, sắp tới, Hội sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục riêng về lĩnh vực này. Song song với đó là phát triển các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để hướng dẫn và hỗ trợ chuyển đổi số cho người dân.
Xác định công tác vận chuyển, bảo quản sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống logistics, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Bưu điện Việt Nam đang cùng với các nhà cung ứng, các đối tác phối hợp xây dựng nhiều kho lưu trữ hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm, nhất là đối với các nông sản mang tính mùa vụ như hoa quả.
“Năm 2021, Bưu điện Việt Nam đã tư vấn, hướng dẫn phương pháp giúp 2,5 triệu người dân thành công đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng “4 nhà” (Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp- PV) để hỗ trợ một cách tốt nhất cho người dân trong quá trình tham gia, hội nhập vào chuyển đổi số nông nghiệp”, ông Hào bày tỏ.
Đánh giá về lợi ích thực tế mà chuyển đổi số mang lại, ông Trần Văn Bân, đại biểu nông dân xuất sắc tỉnh Thanh Hóa phát biểu, chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người dân tiết kiệm thời gian, tăng cường giá trị trong giao thương, thương mại.
Chuyển đổi số, quan trọng là chuyển đổi tư duy, nhận thức cho người nông dân
Trình độ văn hóa của một bộ phận người nông dân còn thấp khiến quá trình tiếp thu, nắm bắt các công nghệ chuyển đổi số gặp nhiều lúng túng. Cần có nhiều hơn nữa sự quan tâm, hướng dẫn thông qua trải nghiệm thực tế, “cầm tay chỉ việc” để giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là đề xuất chung của nhiều đại biểu nông dân xuất sắc tham dự Diễn đàn.
Ông Lương Quốc Đoàn nêu 3 tiêu chí quan trọng để giúp cho công cuộc chuyển đổi số thành công.
Thứ nhất, người nông dân phải có khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ số. Về vấn đề này, Hội đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho người nông dân về kỹ năng sử dụng và làm chủ các thiết bị thông minh. Từ đó, người nông dân có thể khai thác nhiều lợi ích hơn từ môi trường thương mại điện tử, Internet toàn cầu, giúp họ dễ dàng hơn trong việc tham gia quá trình chuyển đổi số.
Thứ hai, bản thân người nông dân phải thay đổi tư duy trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thay đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất có định hướng, kế hoạch cụ thể, phù hợp với các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng của thị trường mục tiêu.
Thứ ba, người nông dân cần tích cực hơn trong việc hình thành chuỗi liên kết để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng theo đúng yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ giúp người nông dân gặp nhiều thuận lợi trong quá trình kết nối vào hệ sinh thái số toàn quốc gia, toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến biểu dương thành tích của những đại biểu nông dân tham dự đại hội, đồng thời khẳng định vai trò của họ trong công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
“Gần 100 nông dân xuất sắc có mặt tại Diễn đàn lần này sẽ là những người đi đầu, những người dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội làm lên cuộc “đại thay đổi” cho ngành nông nghiệp”.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu