Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý trong tố tụng ra sao ở Thái Nguyên?
Mặc dù năm 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng vẫn được triển khai kịp thời, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ 1/1/2021 đến 31/10/2021, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thụ lý mới và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng cho 306 vụ việc, cho 306 lượt người được TGPL (tăng 109,28% so với năm 2020).
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Thái Nguyên đã hoạt động tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật (Ảnh Internet)
Trong đó, diện đối tượng được trợ giúp pháp lý có 14 người có công với cách mạng; 16 đối tượng là người nghèo; 133 đối tượng là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; 41 đối tượng là trẻ em; 63 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; 27 đối tượng là người bị buộc tội là hộ cận nghèo; 1 đối tượng là người cao tuổi có khó khăn về tài chính; 11 đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Tính đến nay, trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện triển khai 20 chuyến tư vấn pháp luật và 50 chuyến truyền thông tại cơ sở với hơn 1.500 người tham dự. Trong các buổi truyền thông, các báo cáo viên đã giới thiệu các quy định về Trợ giúp pháp lý; các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách cho người khuyết tật và các đối tượng được TGPL, trong đó có đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Thông qua các hoạt động trên, Phòng Tư pháp, UBND các xã hướng dẫn về đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định (trong đó có diện người khuyết tật có khó khăn về tài chính) để thực hiện trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu. Tiếp tục rà soát hàng năm, lắp Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở Hội người khuyết tật và cơ sở bảo trợ xã hội, trường khuyết tật; cung cấp tài liệu pháp luật và danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; tiến hành biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp pháp luật có nội dung phổ biến, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền nghĩa vụ khác của người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Nhìn chung, công tác thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2021 của đơn vị đã đảm bảo theo kế hoạch đề ra, giúp người khuyết tật nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn song đơn vị vẫn luôn bảo đảm 100% người khuyết tật được TGPL khi có nhu cầu.
Nguồn: hoanhap.vn