Phản biện dự thảo về quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
Kiến trúc sư Khương Văn Mười kiến nghị cần quy định không cho phép xây dựng ban công đối với các ngôi nhà đối diện tại các hẻm (ngõ) hẹp dưới 3m, vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN) |
Sáng 2/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện Dự thảo “Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh,” nhằm đảm bảo quy chế khi được ban hành đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 17 điều, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Văn hóa-Nghệ thuật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của cơ quan soạn thảo, thể hiện tính chủ động trong công tác quản lý đô thị thành phố phù hợp với yêu cầu thực tiễn; có giá trị thực tế rất lớn, tạo hàng lang pháp lý cho hoạt động quản lý đô thị của thành phố.
Thực tế hiện nay, bên cạnh những khu dân cư hiện hữu có quy hoạch, tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại những khu dân cư phát triển tự phát. Hướng tới mục tiêu chính là giải quyết môi trường sống của người dân, thành phố cần có định hướng phát triển không gian, môi trường sống của người dân tốt hơn.
Thành phố có các dự án đang thực hiện, các dự án mới đang hình thành với nhiều quy mô. Vì vậy, thành phố cần có sự sắp xếp kiến trúc cho các khu nhà ở, đảm bảo những quy chuẩn không gian, môi trường sống, điều kiện sống của người dân. Bên cạnh việc tuân thủ đúng các quy chế, quy định của pháp luật, cũng cần có những quy định mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười kiến nghị cần quy định không cho phép xây dựng ban công đối với các ngôi nhà đối diện tại các hẻm (ngõ) hẹp dưới 3m, vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân; quy định ngã ba, ngã tư đường cần có đèn tín hiệu và âm thanh cho người khuyết tật; thêm quy định chiếu sáng mặt cầu, hông cầu và vị trí trên mặt sông không được chiếu trực diện người điều khiển giao thông; quy định công trình đang thi công thì bên ngoài công trình phải được che chắn đảm bảo an toàn cho người đi bộ trong phạm vi và hoạt động thi công…
Theo ông Khương Văn Mười, vấn đề mỹ thuật kiến trúc rất quan trọng nhưng trong điều kiện thực tế có thể cần ưu tiên yếu tố môi trường, điều kiện sống của người dân. Các quy định về kiến trúc cần phù hợp với điều kiện sống người dân tại nơi xây dựng. Quy chế cần quy định thêm về thời gian điều chỉnh Quy chế, bởi trong quá trình quản lý đô thị cần có những đánh giá tổng quát về hiệu quả, tác động để rút kinh nghiệm, sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp lý cho phù hợp với tình hình biến động của thực tế.
Luật sư Trương Thị Hòa, thành viên Hội đồng tư vấn Văn hóa-Nghệ thuật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Quy chế. Tuy nhiên, bà Hòa kiến nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xác định tên gọi Quy chế cho chính xác, đồng bộ với quy định chung của Luật Kiến trúc. Bên cạnh đó, một số vấn đề kỹ thuật soạn thảo cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh lại theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Cùng có chung đánh giá như các đại biểu, ông Lê Hồng Nhật, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo. Quy chế sẽ giúp người dân hiểu rõ về những quy định liên quan đến quá trình xây dựng nhà ở của mình.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Nhật, cơ quan soạn thảo cần thống nhất cách trình bày, các tư liệu minh họa, hình họa; biên dịch các tài liệu tham khảo tiếng Anh ban hành kèm; rà soát, cập nhật mới danh mục các biệt thự trên địa bàn… Bên cạnh đó, hoạt động quản lý xây dựng cần hướng tới việc tạo ra những điểm nhấn kiến trúc tại các khu vực nội đô, trung tâm thành phố; làm rõ thêm các quy định liên quan đến không gian đô thị chuyển tiếp giữa các khu vực đô thị; cụ thể hơn yêu cầu về đảm bảo tính văn hóa dân tộc trong kiến trúc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp, phản biện tâm huyết của các đại biểu. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến bản biện để điều chỉnh Quy chế, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý kiến trúc, đảm bảo kiến trúc thành phố vừa mang tính bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, xây dựng kiến trúc thành phố tiên tiến, mang giá trị thời đại, để thành phố trở thành đô thị mang tầm quốc gia, khu vực và thế giới.
Dự thảo Quy chế hướng tới mục tiêu quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi lập quy chế; bổ sung, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn bản này được soạn thảo nhằm làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn công tác quản lý kiến trúc xây dựng; làm cơ sở cho việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, đồ án thiết kế đô thị riêng, thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng; quy định về kiến trúc các loại hình công trình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho cá nhân và tổ chức nghiên cứu thiết kế, đầu tư xây dựng công trình./.
Nguồn: Báo xây dựng