Hà Nội tập trung đưa Đông Anh, Gia Lâm lên quận

Hà Nội tập trung đưa Đông Anh, Gia Lâm lên quận

MTĐT –  Thứ năm, 02/12/2021 10:51 (GMT+7)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trước mắt, thành phố tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành tiêu chí lên quận.

Ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu như trên trong kết luận hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, sáng 1/12.

Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, thủ đô sẽ xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị tại năm huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) và ba huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh).

Như vậy, trong 5 huyện sẽ lên quận từ nay đến năm 2025, Hà Nội xác định tập trung hỗ trợ cho 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành tiêu chí.

Cũng trong phát biểu sáng nay, Bí thư Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn của thành phố, gồm: Đầu tư đường vành đai 4 – vùng Thủ đô; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)..

Các đơn vị liên quan được giao rà soát, tổng hợp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền đối với các dự án bất động sản đã giao từ thời tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội, qua đó từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Qua quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng lên 12 quận nội thành như ngày nay (thêm 8 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).

Huyện Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, gồm 23 xã, một thị trấn trực thuộc. Còn huyện Gia Lâm diện tích gần 115 km2, dân số khoảng 280.000 người, 20 xã và 2 thị trấn.

tm-img-alt

Thành phố tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành tiêu chí lên quận. (Ảnh:Internet)

Theo đề án lên quận của các huyện, có 27 tiêu chuẩn phải đạt, gồm 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Trong đó, 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và 4 nhóm tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận.

Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển lên quận đối với huyện Hoài Đức với mục tiêu huyện lên quận vào năm 2020; đối với 4 huyện còn lại là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên quận.

UBND TP Hà Nội cũng đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện.

Tuy nhiên cho đến nay, cả 5 huyện trên đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt, trong đó đều chưa đạt hai tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.

Các huyện đều kiến nghị thành phố cho phép được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn; được hưởng 100% khoản thu thuế phát sinh; tăng cường phân cấp cho cấp huyện đầu tư lĩnh vực giao thông…

Theo các đề án đã ban hành, để xây dựng huyện thành quận, có 27 tiêu chuẩn đạt quận, trong đó có 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 4 nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị).

Tuệ Nhi (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích