Bình Dương đưa thêm hai khu điều trị dã chiến vào hoạt động
Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương; trực thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương) với quy mô 5.300 giường, trong đó bố trí 2.200 giường có trợ thở ôxy cố định.
Một bệnh viện dã chiến ở Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Ngày 3/8, trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã đưa vào vận hành 2 khu điều trị dã chiến có quy 8.300 giường.
Cụ thể, Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương; trực thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương) với quy mô 5.300 giường, trong đó bố trí 2.200 giường có trợ thở ôxy cố định bằng hệ thống ôxy trung tâm.
Khu điều trị này được lắp đặt trang thiết bị phù hợp nhằm điều trị bệnh nhân COVID-19 từ không triệu chứng, triệu chứng nhẹ ở “tầng 1,” bệnh nhân có triệu chứng trung bình ở “tầng 2,” bệnh nhân nặng ở “tầng 3.”
Bên cạnh các trang thiết bị y tế, khu điều trị cũng trang bị phầm mềm quản trị số hóa hiện đại, hệ thống trình ký văn phòng, website bệnh viện, wifi tốc độ cao… nhằm đảm bảo quản lý minh bạch, hiệu quả, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện dã chiến số 3 quy mô 3.000 giường đặt tại trường Đại học Việt Đức, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương đầu tư.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đánh giá cao những đóng góp của Tổng công ty Becamex IDC (Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp-Công ty cổ phần) trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, đặc biệt là việc thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viên dã chiến số 1 Bình Dương.
Bệnh viện tuy “dã chiến” về cơ sở hạ tầng nhưng lại rất chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ, đã góp phần giúp tỉnh Bình Dương được đánh giá là điển hình trong công tác chăm sóc, điều trị F0 ở “tầng 1.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nhấn mạnh xác định công tác điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở “tầng 2” sẽ có nhiều khó khăn, Ban giám đốc bệnh viện cần tiếp tục phát huy các ưu điểm, nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch triển khai và vận hành khu điều trị theo đúng nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình hoạt động, Ban giám đốc bệnh viện cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác cách ly, chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân theo đúng quy trình của Bộ Y tế; bảo đảm sức khỏe và an toàn cao nhất cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên ở cả 2 cơ sở điều trị; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh những vấn đề phát sinh, từ đó nâng cao hơn nữa tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong phối hợp chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trong đợt dịch lần 4, tính đến 6 giờ ngày 3/8, Bình Dương ghi nhận 18.326 ca dương tính với SARS-CoV-2; đã có 1.792 bệnh nhân khỏi bệnh, 94 bệnh nhân tử vong.
Ngành y tế đang điều trị cho 7.224 bệnh nhân; trong đó có 102 phụ nữ mang thai, 127 người trên 65 tuổi, 314 người có bệnh lý nền, 321 người có diễn biến nặng.
Sắp tới, tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện và đưa Bệnh viện dã chiến số 4 (được đặt tại khu nhà xưởng công ty Hoàng Hùng, huyện Bàu Bàng, với quy mô từ 3.000 đến 5.000 giường) vào hoạt động.
Ngoài ra, Quân khu 7 phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đã thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B, được đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng-an ninh (phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một) với năng lực tiếp nhận 500 bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ./.
Nguồn: Báo xây dựng