Kỳ cuối: Cộng đồng trách nhiệm vì Hà Nội hôm nay và mai sau
Bài học từ thực tiễn
Dẫn chứng rất nhiều tuyến phố Hà Nội hiện nay đã mang một màu xanh khác hẳn trước đây như đường Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Văn Cao, Hoàng Quốc Việt, tuyến đường ven sông Tô Lịch (quận Cầu Giấy), Đại lộ Thăng Long…, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định, việc trồng mới nhiều cây xanh trên địa bàn Thủ đô không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.
Thực vậy, giờ đây tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) thuộc hệ thống Vành đai 3 của Hà Nội, có 12 làn xe, nổi bật hơn cả là hơn 1.500 cây xanh được trồng mới, thay thế, nhiều đoạn được trồng tới 4 đến 5 hàng cây. Cây xanh và mái che phía trên đã giúp hạ nhiệt đáng kể cho toàn tuyến đường dài 5km.
Nhũng hàng cây vươn cao, xanh mướt chính là thương hiệu của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. |
“Hàng cây cao với nhiều bóng mát đã làm dịu rất nhiều cái sự “xù xì” của những khối bê tông. Việc quy hoạch nhiều hàng cây không những gia tăng không gian xanh trong đô thị mà còn góp phần tạo điểm nhấn trong xây dựng tuyến phố văn minh. Nơi đây hứa hẹn trở thành một địa điểm lý tưởng để người dân có những hoạt động thư giãn, tập thể dục sau giờ làm việc, học tập mệt mỏi” – anh Vũ Thanh Tùng (Khu đô thị Resco, Bắc Từ Liêm) chia sẻ.
Không chỉ dừng ở các tuyến vành đai, nhiều tuyến đường nội đô khác của Thủ đô cũng đang từng ngày “thay da đổi thịt”, tràn ngập cây xanh, tạo bóng mát cho hai bên. Đó là đường Hoàng Quốc Việt với hàng cây xà cừ, đến nay cây đã sinh trưởng mạnh mẽ, tán cây rộng hàng chục mét vuông giúp cho người dân “giải nắng” trong những ngày vừa qua. Đường Bắc Sơn, Hoàng Diệu thu hút nhiều ánh mắt với hàng hoa Ban trắng muốt hay không gian sống ảo với hàng cây Phong lá đỏ bên nằm bên cạnh Đại sứ quán Hàn Quốc, khu Ngoại giao đoàn Bắc Từ Liêm, Hà Nội….
“Thành công của chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh là một thực tế khách quan mà bất cứ người dân, du khách nào đến Thủ đô cũng cảm nhận được vẻ đẹp của những hàng cây và giá trị của nó với môi trường” – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng. |
Từ thực tế này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng cho rằng, việc trồng mới thêm nhiều cây xanh đã góp phần tạo không gian xanh, hành lang xanh… giúp điều hòa không khí, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm môi trường. Thêm một không gian xanh mở ra chính là sự đổi thay tích cực của nhận thức, của tư duy góp phần cải thiện môi trường sống của người dân Thủ đô.
Không gian sống xanh là điều mà chính quyền và người dân Thủ đô luôn hướng tới. |
Tuy vậy, bên cạnh điểm những điểm nhấn mới, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đơn cử, khi càng thêm nhiều cây xanh đô thị, nhiệm vụ chăm sóc, cắt tỉa cũng cũng càng thêm nặng nề nhất là trong bối cảnh Thành phố vẫn đang cắt giảm bớt kinh phí cho các dịch vụ về hạ tầng đô thị. Có thể thấy rõ điều này khi những hàng cây, thảm cỏ vốn thẳng hàng, ngang lối trên đường Láng, Yên Lãng, Đại lộ Thăng Long, phố Mạc Thái Tông… chỉ sau vài tháng đã trở thành những “khu rừng trong phố”. Đây là một bất cập cần được tính đến và có phương án điều chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, việc thiếu những “quy chuẩn” cụ thể cũng khiến công tác trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây xanh trên nhiều tuyến phố cũng gặp không ít khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, tốt có mà dở cũng có.
Trước đây, nói đến phố Thái Hà, đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ, người ta hay nhắc đến một mương nước thải ô nhiễm, nơi tập kết đủ loại phế thải, vật liệu xây dựng gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Tuyến phố này có tốt lên một chút sau khi Thành phố tiến hành cống hóa mương nước những cũng phải đến năm 2020 với dự án lát đá và tạo cảnh quan, vỉa hè của quận Đống Đa, vỉa hè nơi đây mới được trả lại đúng chức năng vốn có.
Mương nước thải ô nhiễm trên phố Thái Hà sau khi được cải tạo giờ đây đã tỏa hương thơm ngát. |
Cụ thể, ngoài việc lát đá, trồng cây khép tán, bụi hoa tại phần giáp với bó vỉa, trên vỉa hè tuyến đường còn bố trí một làn đường dành riêng cho người đi bộ rộng hơn 1m, từ đó không còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, vi phạm trật tự đô thị đã giảm rõ rệt, nâng cao chất lượng sống đô thị và tạo sự đồng thuận trong nhân dân…
Tiếp nối kết quả đã đạt được trên phố Thái Hà, đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ, quận Đống Đa đã tiến hành chỉnh trang vỉa hè tại phần còn lại của phố Thái Hà, phố Huỳnh Thúc Kháng. Đến nay, các hạng mục cơ bản cũng đã hoàn thành, tuyến phố Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng vốn chật chội đông đúc xe cộ nay cũng trở nên “xanh” hơn với hàng thảm cỏ trải dài từ đầu đến cuối phố. Biện pháp này không những đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tạo điểm nhấn, cảnh quan đô thị, đặc biệt hạn chế được nhiều hành vi vi phạm trật tự đô thị tạo điều kiện cho người đi bộ di chuyển an toàn.
Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng thành công như vậy, sự “lúng túng” khi phải thay thế hàng cây Phong lá đỏ bằng cây Bàng lá nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh là một bài học kinh nghiệm cần được rút ra. Và đến nay, hiệu quả của việc thay thế này như thế nào, câu trả lời vẫn đang ở phía sau.
Cần thêm sự chung tay
Là người vẫn luôn theo sát Hà Nội trong quá trình phát triển đô thị, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Đối với Hà Nội, “quy hoạch luôn đi trước một bước”, trong đó từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội đã chú trọng phát triển đô thị, nhất là các khu đô thị mới.
Đời sống được nâng cao, đòi hỏi của người dân về “sống xanh” cũng được nâng lên |
Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm với mô hình chung cư cao tầng có lắp đặt thang máy đầu tiên tại Hà Nội (năm 1997), sau đó là nhiều khu đô thị mới hiện đại, khang trang như: Văn Quán, Mỹ Đình, Garmuda, Ciputra, Time City, Royal City… đã hình thành, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở. Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã điểm tô cho hình ảnh Thủ đô hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.
Rõ ràng, nhìn lại 20 năm đã qua, Thủ đô Hà Nội đã có bước tiến rất lớn với nhiều thành tựu về quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nhưng trên sau cùng chưa có một mô hình nào thực sự thành công. Tồn tại này cho thấy yếu tố thiết kế đô thị đang bị xem nhẹ, trong khi công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo.
Lấy ví dụ tuyến đường Vành đai 2 mới được hoàn thành chưa đầy 1 năm trở lại đây, chỉ sau vài ba ngày khánh thành, trên tuyến đường này đã xuất hiện hàng loạt các bục, bệ nối từ mặt đường lên hè với đủ kiểu cách khác nhau gây mất thẩm mỹ. Không những vậy, trên vỉa hè, sự lủng củng cao thấp, thò thụt của các bậc cấp lên xuống cũng cho thấy sự thiếu quản lý, giám sát. Nói đúng ra, đơn vị quản lý, khi cấp phép xây dựng đã không quản lý tốt về cốt nền đô thị, người dân tự ý xác định nền nhà của mình, đã dẫn đến sự khập khiễng này.
Chính quyền và người dân cần đồng lòng, chung sức vì một Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp. |
Đặc biệt, cũng cần phải nhắc đến, trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội vẫn còn một “khoảng trống”, đó là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Để hoàn thiện đồ án quy hoạch này, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã vào cuộc rất tích cực với nhiều phương án, dự án được lên kế hoạch, tuy nhiên đến nay mọi đồ án đều “vướng”, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vướng mắc về quy hoạch đã kìm hãm phát triển ở khu vực này, các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều “án binh bất động”, nhiều nguồn lực bị lãng phí.
Nói như vậy để thấy, trong lúc chờ các cơ quan chức năng tìm kiếm thêm các giải pháp, mỗi người dân Hà Nội cần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của “Thành phố hòa bình”, “Thủ đô nghìn năm văn hiến” bằng những việc làm thiết thực như giữ gìn nhà cửa sạch đẹp, ngõ phố khang trang; vận động, nhắc nhở mọi người cùng giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư; bảo vệ cây xanh, môi trường nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho khu phố, đường làng, ngõ xóm… Có như vậy mới luôn tạo dựng được nét đẹp của Thủ đô trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn: Báo lao động thủ đô