TP.HCM: Nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính
TP.HCM: Nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính
Một trong những giải pháp chính được TP.HCM thực hiện nhằm giảm phát thải khí nhà kính là chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ Diesel sang khí nén CNG.
Thời gian qua, TP.HCM đã từng bước triển khai nhiều nhiệm vụ biện pháp để quản lý phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề triển khai các kế hoạch cụ thể về giảm thiểu loại khí thải độc hại này. Nhiều giải pháp đã và đang được TP kiên trì thực hiện bằng những công việc rất cụ thể.
Sử dụng năng lượng thân thiện môi trường
Theo UBND TP.HCM, TP đã triển khai việc tập huấn theo đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tuyên truyền các nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại 11 khu công nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2014-2015. TP.HCM đã lần đầu tiên tổ chức kiểm kê khí nhà kính cho năm 2013 và bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng, nhất là kinh nghiệm trong phương pháp thu thập dữ liệu.
Giai đoạn 2015-2017 và 2018-2019, TP.HCM đã tích cực tham gia dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia. Dự án này có tên SPI-NAMA do Bộ TN&MT và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.
Dự án đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như hướng dẫn về kiểm kê phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. TP.HCM đã chủ động xây dựng và thực hiện một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi TP.
Đặc biệt, dự án SPI-NAMA đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính của TP.HCM năm 2013 trên năm lĩnh vực: Năng lượng cố định, giao thông, chất thải, quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, rừng và sử dụng đất.
Đối với việc giảm phát thải khí nhà kính, TP.HCM đã thực hiện các nhiệm vụ tập trung chủ yếu vào ngành năng lượng. Cụ thể là thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường; tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh.
Ngoài ra là TP cũng áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật và khoa học kỹ thuật nhằm giảm mức tiêu thụ điện năng như dự án thay thế, cải tạo hệ thống chiếu sáng tại các ngõ hẻm đang dùng các loại đèn chiếu sáng tiêu tốn nhiều điện năng sang các loại đèn tiết kiệm điện.
Đối với hoạt động giao thông vận tải, các giải pháp chính được ngành thực hiện bao gồm hoàn thiện chính sách thể chế, chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ Diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Các nhiệm vụ này góp phần đáng kể vào việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mục tiêu năm 2030 là giảm 10% phát thải
Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP.HCM, TP đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
Mục tiêu khác là lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và TP, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH; kế thừa và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra.
Mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước BĐKH và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.
Đồng thời, TP triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp…
Biến rác thành năng lượng
Theo đại diện Sở TN&MT TP.HCM, TP đã và đang triển khai nhiều kế hoạch hành động để ứng phó với BĐKH. Trong lĩnh vực quản lý chất thải, TP đã ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đầu tư phát triển hạ tầng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ.
Bên cạnh đó, TP triển khai các dự án xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng và tái chế tài nguyên, tái chế, xử lý chuyển đổi rác thải thành năng lượng, phân bón compost và nhựa. Ngoài ra, TP còn tổ chức các hội thảo, tập huấn và tuyên truyền cho các cơ sở công nghiệp về các quy định và thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị