Lai tạo giống khoai tây có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu
Lai tạo giống khoai tây có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu
Bang Maine (Mỹ) đã tránh được nguy cơ mất mùa khoai tây vì biến đổi khí hậu nhờ sự thành công của giống khoai Caribou russet do các nhà nghiên cứu của Đại học Maine phát triển.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Maine (Mỹ) đang thử nghiệm lai tạo giống khoai tây có khả năng chống chịu tốt hơn với nhiệt độ ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu.
Giáo sư về sinh thái và quản lý cây trồng Gregory Porter cho biết nhiệt độ ấm lên và mùa canh tác kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề về chất lượng cây trồng và dịch bệnh. Vì vậy các nhà nghiên cứu cần xem xét tạo ra các giống mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Ông lo ngại rằng ngay cả giống khoai tây của trang trại Green Thumb Farms cũng không thể chống chịu được nắng nóng cực đoan trước những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Ông Jim Dill, chuyên gia quản lý các loài gây hại tại Đại học Maine Cooperative Extension, cho biết bọ khoai tây Colorado và các loài rệp truyền bệnh đã phát triển mạnh do biến đổi khí hậu. Ông Dill nhận định việc nhân giống với những thay đổi nhỏ như lá nhiều lông hơn có thể khiến các loài côn trùng di chuyển khó khăn, từ đó có thể giảm bớt sâu bệnh gây hại cũng như giảm bớt nhu cầu phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Việc lai tạo những đặc điểm như vậy lên các giống khoai tây hiện nay đòi hỏi quá trình thụ phấn chéo giữa nhiều giống khoai tây khác nhau trong một thời gian dài. Quá trình này đang được triển khai tương đối thuận lợi và đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm tại nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ. Các nhà khoa học đang nghiên cứu sức chống chịu nhiệt độ cực cao của các giống khoai thử nghiệm ở các bang Virginia, North Carolina và Florida.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị