Bà Rịa – Vũng Tàu: Bất công khi giao, cho thuê đất công?

Chiếm đất công, xây công trình khủng, Đặng Lâm được hợp thức hóa sai phạm
Điển hình cho câu chuyện cho thuê đất công, hợp thức hóa sai phạm thần tốc ở Bà Rịa – Vũng Tàu là vụ việc tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Đặng Lâm.
Như Reatimes đã phản ánh trong bài Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp chiếm đất công xây công trình khủng không phép? Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Đặng Lâm đã xây dựng và công khai đưa vào hoạt động từ tháng 6/2020.
Một tháng sau khi Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Đặng Lâm đi vào hoạt động, ngày 16/7/2020, ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới chủ trì cuộc họp bàn nghiên cứu cho chủ đầu tư dự án này thuê lại phần diện tích 1.295m2 đất công nằm trong dự án.
Ngày 14/9/2020, UBND thành phố Bà Rịa đã ra quyết định số 117/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty TNHH Thăng Long Vũng Tàu 40 triệu đồng do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình đào tạo và sát hạch lái xe Đặng Lâm không có giấy phép xây dựng có chiều cao 3 tầng, với diện tích 728m2, tổng diện tích sàn xây dựng 2.184m2, bao gồm móng băng, khung bê tông, cốt thép, tường gạch, căn tin và khu vực chờ 60m2…

Thành phố Bà Rịa cũng yêu cầu Công ty TNHH Thăng Long Vũng Tàu ngừng thi công và lập thủ tục xin phép xây dựng trong thời hạn 60 ngày kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính. Hết thời hạn trên, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình theo quy định.
Một dự án chưa hoàn thành thủ tục đất đai và hàng loạt thủ tục khác, mà chỉ có 60 ngày để “chạy” giấy phép xây dựng thì đây là một thách thức lớn. Tuy nhiên, Công ty TNHH Thăng Long Vũng Tàu đã hoàn thành kỳ tích chỉ trong 1 tháng 1 ngày.
Theo đó, ngày 30/9/2020, UBND tỉnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký đồng loạt 2 quyết định số 3008/QĐ-UB và 3009/QĐ-UB, giải quyết thủ tục đất đai cho dự án.
Ngày 9/10/2020, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức thẩm định chi tiết thiết kế, trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo văn bản số 3795/SXD-QLXD.
Đến ngày 15/10/2020 (06 ngày sau thẩm định hồ sơ), ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký quyết định, cấp giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Thăng Long Vũng Tàu, được phép xây dựng một số hạng mục thuộc công trình dự án Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Đặng Lâm.
Tốc độ hợp thức hóa sai phạm trong trường hợp này có thể là kỷ lục Việt Nam. Nếu không có sự táo bạo, thần tốc của hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc “giải cứu” Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Đặng Lâm thì việc cưỡng chế là điều khó tránh. Tuy nhiên, liệu sự táo bạo, thần tốc này có đúng quy trình, quy định pháp luật hay không vẫn là điều dư luận còn nhiều nghi vấn.
Nhập nhằng đất công tại dự án Axis Hồ Tràm
Như Reatimes đã phản ánh trong bài Bà Rịa – Vũng Tàu: Chợ Phước Thuận bị “nuốt chửng” như thế nào?, từ một dự án độc lập, nhưng chợ Phước Thuận sau đó đã bị sáp nhập vào dự án Khu biệt thự Xuân Quang, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc sau 1 văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, ngày 14/6/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thành Long đã ký Quyết định số 5382/UBND-VP, về việc sáp nhập chợ Phước Thuận vào dự án Khu biệt thự Xuân Quang tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Quyết định dựa trên cơ sở xét đề xuất sáp nhập 2 dự án của Sở Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu, tại văn bản số 1465/SXD-KTQH, trình UBND tỉnh này, vào ngày 29/5/2017.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận phương án sáp nhập chợ Phước Thuận vào dự án Khu biệt thự Xuân Quang, thành 1 dự án với tính chất là khu biệt thự để ở kết hợp dịch vụ thương mại.
Quyết định yêu cầu UBND huyện Xuyên Mộc có trách nhiệm xác định rõ các loại đất (đất nhà nước, đất của dân và đất đã thỏa thuận đền bù) trong tổng diện tích đất 9.978 m2 của dự án chợ Phước Thuận, làm cơ sở hướng dẫn Công ty Cổ phần Xuân Quang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu biệt thự Xuân Quang theo đúng quy định hiện hành.
.jpeg)
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Công ty Cổ phần Xuân Quang có trách nhiệm liên hệ với Sở Xây dựng, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Trên cơ sở đó, ngày 26/4/2019, UBND huyện Xuyên Mộc ra Quyết định số 1699/QĐ- UBND, về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, Khu biệt thự Xuân Quang, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Đến ngày 29/8/2019, UBND huyện Xuyên Mộc đã ra Quyết định số 3857/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án này.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau đó đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Xuân Quang đầu tư dự án Khu biệt thự Xuân Quang, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, theo Quyết định số 1889/QĐ-UBND, ngày 13/7/2020.
Mặc dù đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, nhưng dư luận vẫn đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh việc Công ty Cổ phần Xuân Quang “nuốt chửng” dự án chợ Phước Thuận. Việc sáp nhập dự án chợ Phước Thuận vào dự án Khu biệt thự Xuân Quang có được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hay không? Sở Xây dựng có phải là đơn vị có chức năng trình UBND tỉnh xem xét việc sáp nhập dự án? Có hay không sự ưu ái của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho Công ty Cổ phần Xuân Quang?
Sau thông tin phản ánh của Reatimes, ngày 29/7/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn số 9375/UBND-VP gửi Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND huyện Xuyên Mộc rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc đất tại dự án Khu Biệt thự Xuân Quang, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Tuy nhiên, đến nay kết quả rà soát vẫn chưa được công khai, trong khi môi giới tiếp tục chào bán rầm rộ trên thị trường.
Phó Chủ tịch Trần Văn Tuấn ủng hộ Nguyễn Hoàng Group biến đất công viên thành dự án
Đây là kết luận cuộc họp gần đây do ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì, về dự án do Nguyễn Hoàng Group đầu tư, trên địa bàn thị xã Phú Mỹ.
Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về chủ trương đầu tư dự án Trường liên cấp hội nhập quốc tế iSchool tại phường Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ) của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.
Theo báo cáo, dự án Trường iSchool Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư là 500 tỷ đồng với quy mô 3000 học sinh được đào tạo trong hệ sinh thái giáo dục khép kín, hoàn chỉnh. Học sinh, sinh viên trường liên cấp quốc tế iSchool Phú Mỹ sẽ được trang bị những kiến thức, ngôn ngữ và kỹ năng để hội nhập với môi trường quốc tế.
Vị trí khu đất Tập đoàn Nguyễn Hoàng đề xuất đầu tư Dự án trên thuộc khu tái định cư 44 ha phường Phú Mỹ, diện tích khoảng 3,27ha. Theo Quy hoạch chung của tỉnh, khu đất trên thuộc quy hoạch đất công cộng (công viên). Vì vậy, nếu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tỉnh phải xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất trên từ quy hoạch đất công viên văn hóa thể thao thành đất giáo dục.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương xây dựng Dự án này. Ông nhận định, dự án Trường liên cấp hội nhập quốc tế iSchool phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa giáo dục của Tỉnh, đồng thời đáp ứng thị hiếu thụ hưởng dịch vụ giáo dục hiện đại của các tầng lớp nhân dân, góp phần giải quyết nhu cầu lớp học của địa phương. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án trên.
Tập đoàn Nguyễn Hoàng là một trong số ít đơn vị nhận được nhiều sự ưu ái của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, ngày 7/7/2016, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Tham dự có ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, UBND thành phố Vũng Tàu và Lãnh đạo Tập đoàn Nguyễn Hoàng.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Nguyễn Hoàng trình bày phương án đầu tư dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp tại cụm 5 (trụ sở cũ của Công an tỉnh tại thành phố Vũng Tàu). Theo đó, dự án gồm khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp, khu giải trí nước, khu phức hợp thể thao, khu thương mại… mang đến nhiều không gian giải trí đặc sắc, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa rất riêng của thành phố Vũng Tàu; cung cấp không gian mua sắm, thương mại, giải trí chất lượng cao; khu vui chơi dưới nước và khu phức hợp thể thao đạt chuẩn Quốc tế góp phần tạo nên sự đa dạng và sinh động cho khu vực Bãi trước cũng như nâng cao chất lượng sống của cư dân địa phương.
Sau khi trình bày, dự án này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Vũng Tàu trình UBND tỉnh, báo cáo Tỉnh ủy.
Hodeco bế tắc vì Bà Rịa – Vũng Tàu chậm ban hành quy chế về đất công xen cài
Nghị định 148/2020/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021, đã mở ra hướng xử lý đối với phần đất công xen kẹt trong các dự án. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa ban hành tiêu chí cụ thể để triển khai.
Điều đáng nói, trong khi những doanh nghiệp chấp hành pháp luật, đi đúng quy trình thì bế tắc trước sự chậm trễ của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong khi đó, những trường hợp “chạy” thủ tục, hợp thức hóa sai phạm điển hình như Đặng Lâm, thì lại được giải quyết nhanh gọn. Điều này khiến dư luận không khỏi quan ngại về sự bất công trong thực thi pháp luật ở địa phương này.
Một trong những doanh nghiệp hiện đang chịu ảnh hưởng bởi sự trì trệ thủ tục ở Bà Rịa – Vũng Tàu chính là Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco).
Theo ông Lê Viết Liên, Tổng Giám đốc Hodeco, hiện nay cơ chế đền bù giải tỏa tại các dự án nhà ở thương mại vẫn còn nhiều vướng mắc. Thời gian qua Nghị định 148 của Chính phủ đã có quy định về hướng dẫn để tháo gỡ. Nghị định cũng giao các tỉnh làm rõ tiêu chí cũng như vấn đề ban hành cơ chế xử lý đất xen kẽ. Trong tỉnh đã tiến hành các bước lấy ý kiến các Sở ban ngành doanh nghiệp để tổng hợp, đến nay gần 1 năm rồi vẫn chưa ban hành ra được. Hiện nay Sở Xây dựng cũng đã trình UBND tỉnh theo thẩm định của Sở Tư pháp. Doanh nghiệp rất mong muốn sớm tháo gỡ.

Được biết, The Light City là dự án của Hodeco đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phần đất công xen cài trong quy hoạch. Dự án có 2 giai đoạn đền bù. Giai đoạn 1, phần đất xen cài do Nhà nước quản lý chiếm khoảng 1,3ha (trừ phần đất này thì doanh nghiệp đã đền bù được khoảng 80%). Giai đoạn 2, phần đất xen cài do Nhà nước quản lý chiếm khoảng 1,2 ha.
“Việc chậm ban hành cơ chế giao đất xen cài ảnh hưởng doanh nghiệp nói chung. Nhiều thủ tục liên quan chậm tiến độ, vướng mắc thủ tục làm khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian vừa rồi công ty có kiến nghị tỉnh, các Hiệp hội, đặc biệt Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị, báo chí thông tin liên tục.
Công ty mong muốn tỉnh ban hành sớm để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, càng sớm càng tốt. Cái nào được giao cái nào không được giao doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ vì đã có Luật rồi”, ông Lê Viết Liên nói.
Theo các chuyên gia, cùng quy định pháp luật như nhau mà chính quyền tỉnh lại có phân biệt đối xử với các doanh nghiệp khác nhau là điều cần phải xem xét lại tính minh bạch trong quy trình, có hay không sự ưu ái, lợi ích nhóm trong giải quyết thủ tục hành chính.