Dự án một Luật sửa 10 Luật “gỡ” khó cho môi trường kinh doanh
Dự án một Luật sửa 10 Luật “gỡ” khó cho môi trường kinh doanh
Không chỉ kịp thời hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay, Dự án một Luật sửa 10 Luật ra đời còn được cho sẽ cải thiện môi trường kinh doanh…
Bên cạnh những gói chính sách tài khóa, tiền tệ đủ lớn để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng đóng vai trò then chốt và xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước.
Thực tế, thông điệp doanh nghiệp không “xin” tiền, doanh nghiệp cần cơ chế phù hợp liên tục được đưa ra tại nhiều diễn đàn gần đây cho thấy, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhu cầu cấp thiết.
Đặc biệt, khi không ít văn bản quy phạm pháp luật được cho còn tồn tại quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Bởi vậy, một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Dự án một luật sửa 10 luật).
Về sự cần thiết ban hành luật, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, trùng chéo, hoặc chưa đầy đủ, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, quy hoạch, ngân sách, tài sản công, thuế… theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động tích cực sửa đổi, hoàn thiện; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp; trường hợp cần thiết ban hành một Luật sửa nhiều Luật hoặc Nghị quyết thí điểm đối với những bất cập khi chưa sửa Luật, những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong Luật hoặc đã có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn”.
Và thực tế, Dự án Luật này được xây dựng không chỉ nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện, mà còn được cho sẽ cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ phòng chống COVID-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép; tăng cường phân cấp, phân quyền đi liền với công tác kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước.
Cụ thể, hồ sơ Dự án Luật cũng thuyết minh những yêu cầu cần được tháo gỡ trong từng Luật như: liên quan đến Luật Đầu tư công, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại các điểm b, c và d, khoản 4, Điều 17 và Điều 25 theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B, nhóm C và việc thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sau khi phê duyệt đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là cần thiết, để làm căn cứ cơ quan chủ quản thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung “doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái” vào đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 15 Luật Đầu tư.
Mặc dù còn nhiều chính sách khác được đề xuất sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Dự án một luật sửa 10 luật không chỉ kịp thời hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa;…
Ở phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội – Bùi Văn Cường cho biết, hồ sơ Dự án Luật đã được gửi cơ quan của Quốc hội để phục vụ quá trình thẩm tra.
Thông tin với báo chí, đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, những gì vướng mắc về cơ chế luật pháp, thì cần được kịp thời tháo gỡ. Nếu dùng một Luật sửa nhiều Luật để gỡ được vấn đề đó thì nên ủng hộ, không nên cứng nhắc, miễn làm sao thể chế được hoàn thiện, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tưởng và giúp nền kinh tế phục hồi.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị