Rác thải nông thôn – bài toán khó, cần lời giải cụ thể
Rác thải nông thôn – bài toán khó, cần lời giải cụ thể
Chương trình nông thôn mới trong 10 năm qua đã nhiều thành công, tuy nhiên trong 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới thì tiêu chí môi trường là khó đạt nhất.
Ngày 27/11, tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Rác thải sinh hoạt nông thôn: Thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Truyền thông TN&MT chủ trì, đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về vấn đề rác thải sinh hoạt tại nông thôn, cũng như đưa ra những giải pháp chung cho vấn đề xử lý rác thải sao cho hiệu quả ở Việt Nam.
“Điểm khuyết” trong chương trình xây dựng nông thôn mới
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Thông tin Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT cho biết: “Gần đây, cùng với sự phát triển của KT-XH thì vấn đề rác thải nông thôn trở thành một vấn đề hết sức quan trọng, cần được xử lý, không kém gì vấn đề xử lý rác thải ở những đô thị lớn”.
Theo đó, việc xử lý rác thải ở đô thị và nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, khối lượng rác thải trong những khu vực nông thôn là đang tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Hơn nữa, việc quy hoạch những khu xử lý rác thải ở nông thôn đặt ra nhiều khó khăn hơn so với rác thải đô thị, là một vấn đề các địa phương cũng như cơ quan quản lý về TN&MT phải lưu tâm.
Bổ sung ý kiến, TS Nguyễn Đình Trọng – Chủ tịch Tập đoàn T-Tech Việt Nam nhận định: “Chương trình nông thôn mới trong 10 năm qua thì đã có rất nhiều thành công, tuy nhiên qua đánh giá về 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới thì tiêu chí môi trường là tiêu chí khó đạt nhất”.
Phải nói rằng xử lý rác thải sinh hoạt đô thị tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, tân tiến đã là một bài toán khó, thêm vào đó, ở nông thôn với công tác tuyên truyền cũng như độ thích ứng của người dân còn hạn chế, nên càng nhiều thử thách hơn.
Thực trạng cho thấy, vẫn đang chỉ dừng ở việc chôn lấp rác thải. Hoặc trong tiêu chuẩn đạt xã nông thôn mới thì tiêu chuẩn môi trường ở một số xã còn đang được cho nợ. Trường hợp khác, trong quy định về môi trường ở các xã được tạm thời cắt giảm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu thì chúng ta bắt buộc phải đạt, nên vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm hơn. Nếu đạt đủ các tiêu chí này thì đời sống người dân, an sinh xã hội sẽ tốt hơn nhiều.
Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố
Dưới góc độ một người làm môi trường, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều nguyên do khác nhau.
Thứ nhất, cần xác định do hành lang pháp lý cần phải có sự hoàn thiện. Chính vì nguyên nhân đó, Bộ TN&MT thời gian qua đã trình lên Quốc hội luật BVMT mới và được thông qua. Nhằm giải quyết những vấn đề về pháp lý trong vấn đề rác thải nói chung.
Thứ hai, vấn đề về nhận thức của cộng đồng (doanh nghiệp và người dân) chưa thực sự hoàn thiện, dẫu đã có sự vượt trội so với thời gian trước. Do đó, chúng ta phải luôn nâng cao nhận thức làm sao để thay đổi hành vi.
Thứ ba, Việt Nam mới vượt qua giai đoạn phát triển trung bình, nên việc đầu tư cho công tác BVMT, xử lý rác thải, đặc biệt trong vấn đề đầu tư công nghệ, để chúng ta có thể biến rác thải thành những nguồn thu, tối ưu hoá rác thải.
Mặt khác, giải pháp đồng bộ hoá quy trình phân loại tại nguồn cho tới thu gom, xử lý còn nhiều vướng mắc, để có nhiều giải pháp hơn cho việc tái chế, tái sử dụng.
Phân loại rác đầu nguồn là việc khó khăn, nhưng khó khăn vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Muốn giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc chúng ta phải phân loại tại nguồn. Việc này không phải sáng kiến riêng của Việt Nam mà rất nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng.
Tuy nhiên ở môi trường nông thôn, cũng sẽ có những lợi thế nhất định. Ví dụ như tái sử dụng rác thải hữu cơ sẽ dễ dàng hơn so với ở đô thị.
“Chúng tôi đã từng thí điểm các mô hình người dân sử dụng sản phẩm hữu cơ cùng chế sinh hoá, thì họ có điều kiện về diện tích, đồng thời vừa kết hợp trồng trọt với chăn nuôi thì việc tái sử dụng rác thải hữu cơ là rất thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Dũng dẫn chứng.
Từ đó, ông Trọng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đó là một bài toán lớn”. Giai đoạn 2021-2025, yêu cầu chúng ta phải có những biện pháp rất tích cực, triệt để và căn cơ thì mới giải quyết được bài toán về rác thải nông thôn.
Điều gì cũng phải có quá trình, chúng ta phải chấp nhận thực trạng là điều tất yếu của quá trình “thay da đổi thịt” nông thôn. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn là chúng ta có thể làm được tốt hơn bằng những giải pháp cụ thể.
“Bài toán khó nhưng không có nghĩa là không giải được”
Dẫu vấn đề môi trường còn nhiều điểm yếu, đại diện Bộ TN&MT chia sẻ, chúng ta có thể vui mừng, bởi nhận thức người dân đã thay đổi.
Nếu nhìn nhận cách đây 20 năm có lẽ khi nói đến BVMT sẽ đơn giản hơn, chỉ là gọn nhà, sạch phố. Tuy nhiên, hiện nay nhìn nhận vấn đề BVMT đã ở mức rộng hơn đó là hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững từ những hành động nhỏ như sản xuất tối ưu thực phẩm, hạn chế sử dụng túi nilon, nhựa một lần…
Đây là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức Chính trị Xã hội và cả toàn dân, đó là ý thức nâng cao nhận thức của của chính mình và cộng đồng.
Từ đó TS Trọng cho thấy rằng, cần có sự vào cuộc đồng lòng của tất cả từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là của người dân, hành động của mỗi người dân có tác động rất lớn đến việc BVMT.
Đề cập tới vai trò của Luật BVMT 2020 trong quá trình xử lý rác thải, ông Dũng nhận định Luật BVMT mới là toàn diện và rất thiết thực.
Đồng bộ hoá toàn bộ quá trình, làm sao để chúng ta hệ thống hoá được việc phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng.
Xác định trách nhiệm của người xả rác thải vào môi trường, người xả thải nhiều sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn. Định lượng rác thải cũng là căn cứ để người xả rác thải phải trả phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tiếp theo, chúng ta phải có cách tiếp cận theo cách hiện đại. Tức là vòng đời của sản phẩm, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với rác thải phát sinh từ sản phẩm của mình tạo ra.
Quan trọng nhất, bao trùm lên tất cả, cách tiếp cận luật BVMT 2020, có giải pháp đồng bộ để cụ thể hoá, thực tiễn hoá, chủ trương về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Làm sao để chất thải ngành này phải thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.
Mặt khác, không thể để trách nhiệm dồn hết cho người dân, phải có sự chung ta của những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, có tính xã hội hoá.
Xây dựng ý kiến từ góc nhìn của doanh nghiệp, phía T-Tech chỉ ra, nếu ở thành thị, lượng rác nhiều, có thể thu phí theo xã hội hoá, doanh nghiệp đóng góp cho việc tái chế, vận chuyển với khối lượng lớn. Nhưng ở nông thôn, lượng rác ít hơn.
Do vậy, ở mỗi địa phương phải có một tư duy quy hoạch về vùng xử lý xác là rất quan trọng. Mỗi 1 tỉnh thành nên có một kiến trúc sư trưởng về vấn đề rác để hoạch định từ công tác quy hoạch, như vậy mới có sự đồng bộ và hiệu quả.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị