Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết

Vào thời điểm này ở những năm trước, nhiều công nhân, người lao động làm ăn xa xứ tại thành phố Hồ Chí Minh đã chộn rộn với việc mua vé xe, vé tàu… để chuẩn bị về quê đón Tết. Nhưng năm nay không khí này khác hẳn, trầm lắng hơn với bao băn khoăn của người xa xứ.

“Tiền đâu mà về đón Tết?”

Cách ly xã hội ở đợt dịch Covid-19 lần 4 tại thành phố Hồ Chí Minh và hai năm ảnh hưởng dịch bệnh đã khiến cho kinh tế của nhiều gia đình, đặc biệt là công nhân, lao động tự do rơi vào khó khăn.

Những tháng cuối năm mọi thứ trở nên bộn bề hơn trong lo toan một cái Tết khó trọn vẹn…

“Tết nhất gì nữa, năm nay có làm được đồng nào đâu mà về quê. Hồi tháng 7, mấy anh chị đồng hương chạy xe máy về quê hết, nhưng tôi vẫn cố bám trụ ở lại. Lúc đó cũng chưa xác định được có về quê ăn Tết hay không, nhưng mà bây giờ ở quê cũng đang bùng dịch, nên chắc không về quê được rồi”, chị Nguyễn Thị Điểm (công nhân tại Công ty cổ phần thực phẩm Dân Ôn, khu công nghiệp Mỹ Phức 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chia sẻ.

Chị Điểm cho biết thêm, bản thân chị vẫn muốn về quê để tụ họp với gia đình, nhưng cả năm nay không có việc làm, phải vay tiền để tiêu trong thời gian giãn cách xã hội, nên bây giờ phải “cày cuốc” để kiếm tiền trả nợ, dư bao nhiêu thì mới gửi về cho bố mẹ ở quê có tiền mua sắm Tết.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết
Chị Nguyễn Thị Điểm phải làm việc xuyên đêm để nhanh chóng có tiền gửi về phụ giúp gia đình. Ảnh: NVCC

“Từ ngày trở lại từ công ty, tôi chuyển qua làm ca đêm từ 6h tối hôm nay đến 6h sáng hôm sau. Làm ca đêm cũng có thêm trợ cấp, mà bù lại thì hại cho sức khoẻ. Nhưng để có tiền trang trải cho cuộc sống và gửi về cho bố mẹ, thì phải gắng mà làm thôi. Năm nay ăn Tết ở Sài Gòn coi sao, hi vọng là công ty vẫn cho đi làm mấy ngày Tết để đỡ phải lủi thủi trong phòng trọ”, chị Điểm bộc bạch.

Đang nuôi hai đứa con gái, một đứa 14 tuổi, đứa còn lại 8 tuổi, ông Trần Khánh Thành (50 tuổi, ngụ quận Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) thở dài khi nhắc đến Tết: “Tiền đâu mà về quê ăn Tết năm nay?…”.

Ông Thành kể, hơn 3 năm hành nghề chạy xe ôm công nghệ, mỗi ngày kiếm được khoảng 300.000 – 400.000 đồng, cuộc sống gia đình theo đó cũng đỡ cơ cực. Nhưng năm nay lại khác, từ khi dịch bắt đầu từ hồi tháng 5, ông đã buộc phải nghỉ làm để ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ, vì sợ dịch bệnh phức tạp gây nguy hiểm cho các con. Từ lúc cả nhà được tiêm vắc xin, ông mới an tâm đi làm trở lại.

“Bây giờ mỗi ngày kiếm được có trên dưới 100.000 đồng/ngày, đủ tiền sinh hoạt gia đình thôi. Tôi chỉ mong kiếm được chút đỉnh, mua đồ mới cho hai đứa con gái để nó đỡ tủi thân với bạn bè. Mà bây giờ ca F0 đang tăng lại, sợ cuối năm nay cơm cũng không có mà ăn…”, ông Thành chia sẻ.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết
Dù đã 50 tuổi, nhưng ông Thành vẫn phải làm việc cật lực mỗi ngày để có tiền chăm sóc cho hai đứa con gái 14 tuổi và 8 tuổi. Ảnh: Minh Tuấn

Dựng xe cách đó không xa, anh Trần Hải Hoàng (29 tuổi, tài xế công nghệ, ngụ đường Tô Hiến Hành, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm nay anh và nhiều người bạn khác xác định sẽ ở lại thành phố đón năm mới vì anh chỉ vừa trở lại thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 10, dự định sẽ làm đến ít nhất tới tháng 6 năm sau mới về quê một chuyến.

“Giờ tôi không về ăn Tết cũng có nhiều lý do lắm, nhưng chủ yếu là không có tiền thôi. Hơn 2 tháng nữa tết rồi, mà chạy xe mỗi ngày kiếm được có bao nhiêu đâu, vừa đủ tiền ăn tiền trọ thôi. Với vé xe năm nay chắc cũng như năm ngoái, tăng gấp 3 lần cho mà xem, chi phí cả đi cả về cũng ngót 3 triệu, công thêm cái xe máy này nữa là thành 6 triệu. Lúc đó về đến nhà chắc phải vay tiền mới vào lại thành phố được”, anh Hoàng chia sẻ.

Vé xe Tết ế ẩm

Từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9, khi thành phố Hồ Chí Minh đang ở đỉnh của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, hàng chục nghìn người đã lấy xe máy tự chạy về quê tránh dịch, còn một số ít vẫn cố gắng bám trụ lại thành phố để chờ ngày đi làm trở lại. Vì vậy, cuối năm nay lượng người từ thành phố Hồ Chí Minh về quê sẽ giảm đi là điều tất yếu, tuy nhiên hiện nay nhiều chủ nhà xe khách lại cảm thấy khá bất ngờ lượng khách giảm nhiều hơn tưởng tượng.

“Từ khi bắt đầu được chạy vào thành phố Hồ Chí Minh trở lại, xe lúc nào cũng trong tình trạng để trống khoang khách. Lúc may mắn lắm thì được 5 khách là nhiều rồi, năm nay cũng không trông mong gì, chỉ mong có khách mà chạy bù lại tiền lãi xe thôi”, chị Đoàn Thị Ánh Tuyết (chủ nhà xe A Ba Dũng, tuyến Quảng Bình – thành phố Hồ Chí Minh) than thở.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết
Xe khách giường nằm của chị Tuyết chỉ chở hàng trong suốt thời gian bùng dịch, chưa lúc nào chị khao khát cảm giác khách đầy xe như những năm trước như bây giờ. Ảnh: Minh Tuấn

Chị Tuyết cho biết thêm, không phải là mỗi nhà xe của chị gặp tình trạng này, mà đa số các nhà xe khác cũng lâm vào cảnh chạy không từ đầu tháng 10 tới nay. Có một số thì đã bán bớt xe để trả nợ, số ít thì phải lấy xe vay ngân hàng để duy trì hoạt động, chờ mùa Tết để có tiền chuộc lại xe.

“Công nhân họ làm không có tiền, nên bữa nay ở lại ăn Tết nhiều nên khách cũng ít. Năm nay tiền vé xe Tết có thể sẽ giảm mạnh so với những năm trước, vừa tạo điều kiện cho người lao động vừa giúp mình bán được vé. Chỉ cần chuyến nào cũng không còn giường trống là may mắn lắm rồi…”, chị Tuyết cho biết thêm.

Tại nhà xe Xuân Truyền (tuyến Quảng Bình – thành phố Hồ Chí Minh), suốt nhiều tháng nay chỉ vài xe hoạt động, trong khi 4 – 5 chiếc xe giường nằm khác buộc phải đậu phơi nắng ở bãi đất trống suốt từ tháng 4 tới nay. “Khách không có nên chỉ cho vài chiếc chạy, còn lại đậu ở bãi xe chờ tới Tết nếu tình hình ổn hơn thì cho chạy trở lại. Chỉ mong cuối năm nay dịch nó hết, may ra mới chạy được vài chuyến”, đại diện nhà xe Xuân Truyền cho biết.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết
Nhiều xe khách ở Bến xe miền Đông vắng vẻ bóng dáng khách đi, nhiều lúc phải xuất bến trong tình trạng trống không. Ảnh: Minh Tuấn

Chia sẻ về tình hình đặt vé máy bay Tết trong thời điểm hiện tại, chị Nguyễn Thị Thuỳ Trinh (đại lý vé máy bay, ngụ đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận) cho biết, vé máy bay từ ngày 25/1/2022 – 5/2/2022 chủ yếu dao động từ 2 – 4 triệu đồng/chiều đối với đa số các tuyến xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh.

“Mọi năm thì vé máy bay Tết đã được đặt gần hết rồi, vì càng sát ngày bay thì vé càng tăng, nên người ta thường đặt sớm. Năm nay vé rẻ hơn nhiều, nhưng lượng khách đặt lại ít đi hẳn, hiện tại tôi mới nhận đặt vé cho gần 10 người thôi. Giảm gấp 4 – 5 lần so với năm ngoái”, chị Trinh than thở.

Chị Trinh cho biết, chỉ mong dịch không bùng trở lại để bà con về quê ăn Tết cho an toàn, bản thân chị cũng bán được nhiều vé máy bay giá rẻ hơn. “Hi vọng sang năm mới mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, còn người là còn của. Mong dịch nhanh hết để mọi người còn quay lại cuộc sống thường ngày”, chị Trinh chia sẻ thêm.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích