Khơi thông nguồn lực văn hóa Thủ đô cho hoạt động thiết kế sáng tạo
Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Thủ đô sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn.
Không gian con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân vào ban đêm. (Ảnh: TTXVN phát) |
Kế hoạch hành động và cơ chế chính sách của Hà Nội để thúc đẩy thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế được thành phố đặt ra từ lâu và một lần nữa được đề cập tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô,” diễn ra tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày 28/11.
Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia uy tín, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các không gian sáng tạo văn hóa và một số trường đại học trên địa bàn Thủ đô.
Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu “Thành phố thiết kế sáng tạo.”
Thông qua việc tham gia mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội.
Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội – thành phố sáng tạo.
Bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của tất các các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến nguồn lực văn hóa, việc khai thác nguồn lực cho thiết kế sáng tạo, những giải pháp để thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và những cơ chế chính sách của Hà Nội để kế hoạch hành động đạt hiệu quả cao.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên văn hóa như: di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng…
Mặc dù chưa tạo ra cơ chế để chuyển hóa nhưng các tổ chức công-tư, các đơn vị nghiên cứu đã tạo động lực để Hà Nội đang chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế đã góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, thành phố cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê cũng mong muốn với danh hiệu Thành phố sáng tạo thì Hà Nội cần có trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, có các tiện ích, có nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác, chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư.
Khách thưởng lãm các tác phẩm tại Con đường nghệ thuật Phúc Tân – một không gian sáng tạo cộng đồng tại Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN) |
Đặc biệt, thành phố cần thúc đẩy hợp tác công tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Hà Nội cũng cần có quy hoạch minh bạch, chi tiết các loại hình văn hóa muốn phát triển, định hướng tương lai cho nó để nhà đầu tư nắm được thông tin, quyết định cho việc đầu tư.
Hơn nữa, Hà Nội cũng cần có sự bao dung về tinh thần sáng tạo mới, chỉ dẫn cho nhà đầu tư phát triển đúng hướng phù hợp với pháp luật và xu thế.
Ông Lê Quốc Vinh cũng cho rằng trước khi đầu tư không gian sáng tạo lớn, Hà Nội cần quan tâm phát triển không gian sáng tạo nhỏ, bởi đối tượng này thường thiếu vốn, mặt bằng cũng như các nguồn lực khác, sau đó thành phố tiến tới hình thành không gian sáng tạo đúng nghĩa, đúng tầm cỡ.
Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tổ chức, diễn ra từ ngày 27/11 đến 3/12./.
Nguồn: Báo xây dựng