Việt Nam là quốc gia thể hiện xuất sắc nhất trong chuyển đổi kỹ thuật số
Theo báo cáo thường niên SYNC Southeast Asia của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company vừa công bố, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.
Nghiên cứu khảo sát khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và hơn 20 nhân sự cấp cao ở 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có 3.579 người tham gia khảo sát từ Việt Nam. Nghiên cứu mô tả Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thể hiện xuất sắc nhất.
Số lượng danh mục hàng hóa được người mua sắm trực tuyến Việt Nam mua trong năm nay tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam cũng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc tăng gấp 1,5 lần.
Khoảng 49% người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến trong vòng 3 tháng qua do sức hấp dẫn của các ưu đãi về giá (45%), chất lượng sản phẩm (34%) và sự sẵn có của hàng hóa (33%).
Lần đầu tiên, thanh toán sử dụng tiền mặt có nguy cơ bị “truất ngôi” với mức giảm đáng kể từ 60% năm 2020 xuống chỉ còn 42% vào năm 2021. An toàn, quyền riêng tư và phí dịch vụ là ba mối quan tâm chính của người tiêu dùng Việt Nam khi xem xét các các loại hình thanh toán.
Trong năm 2021, người Việt Nam dành phần lớn thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội, nhắn tin, xem video, mua sắm trực tuyến và gửi thư điện tử (email) vì 72% thời gian của họ là ở nhà thay vì ra ngoài.
Ảnh minh họa
Được biết, trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế nhưng lại góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho TMĐT. Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất khu vực ASEAN.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn lại thông tin trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.
Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2016 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người). Doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để có được những con số trên, Việt Nam có thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên điện thoại thông minh (smartphone) nhiều. Trong tăng trưởng của thị trường TMĐT thời gian qua còn có đóng góp rất lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Hiện nay, các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam cũng đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Bảo Lâm