Những phiên chợ xanh ‘rác đi – quà về’
Những phiên chợ xanh ‘rác đi – quà về’
Nhìn cảnh bao nilông, chai nhựa, thủy tinh… bị vứt bỏ bừa bãi, Đặng Thị Thơm (19 tuổi) – hiện đang học năm nhất Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM – đã quyết định ‘phải làm một cái gì đó’.
Khi đó, cô nữ sinh trung học phổ thông Trường Trung Phú (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã quyết định lập CLB Gen Xanh để tập hợp những người trẻ yêu thích hoạt động vì môi trường lại, làm các hoạt động nhằm khơi gợi ý thức sống xanh nơi mỗi người.
Nói là làm, Gen Xanh ra đời cách đây hơn một năm và đã tổ chức được khá nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong các hoạt động của nhóm phải kể đến chương trình “Rác đi quà về”. “Chúng tôi đã gom được cả 10 tấn đồ cũ, vài ba tấn pin, rác thải điện tử và nhiều vỏ hộp sữa, chai thủy tinh. Các sản phẩm này được nhóm phân loại và tái sử dụng hoặc đem đến nơi quy định”, Thơm chia sẻ.
Cứ vài tháng một lần, hoạt động của Gen Xanh lại được diễn ra ở Củ Chi và đã nhanh chóng được hưởng ứng từ những người biết đến. Tự tin và không ngại giới thiệu mô hình của mình ra cộng đồng, do vậy những việc làm của Gen Xanh đã được cộng đồng mạng hoan hỉ, học hỏi tinh thần sống xanh của Thơm.
“Ý thức bảo vệ môi trường sống chính là cách bảo vệ sức khỏe mình và cũng tránh gây ra gánh nặng cho con cháu mai sau” – chú Ngọc Tánh ở Củ Chi, biết đến hoạt động “phiên chợ xanh” của Thơm, bày tỏ.
Không chỉ khơi dậy ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải và tái chế các loại rác còn có thể sử dụng, bản thân Thơm còn là người thuyết trình chính cho các buổi chia sẻ với phụ huynh, học sinh tại địa phương.
“Giáo dục lối sống phải từ nhỏ, gieo dần vào các em ý niệm bảo vệ môi trường sống từ hành động hạn chế rác thải, tiết kiệm điện nước, trồng cây… Qua đó sẽ dần hình thành tính cách sống xanh cho trẻ”, Thơm nói.
Mới đây, Gen Xanh còn tổ chức giải chạy online mang tên “Chạy vì môi trường” nhằm gây quỹ trồng rừng tại Gaia (một tổ chức uy tín ở Việt Nam). Đặc biệt, huy chương trao tặng cho các bạn cũng được làm từ vật liệu tái chế 100% mà Gen Xanh đặt làm riêng.
Nhìn lại các hoạt động nổi bật, Đặng Thị Thơm tổng kết, Gen Xanh hiện đang hoạt động tại TP.HCM và Đà Lạt (Lâm Đồng). Loại rác chính mà Gen Xanh thu gom và xử lý là rác thải thủy tinh vỡ, lành (chỉ trừ thủy tinh y tế, bóng đèn, cường lực…) – một phần tặng lại cho các đơn vị cần sử dụng, phần lớn sẽ đem đến nhà máy tái chế thủy tinh.
Theo Thơm, việc sử dụng thủy tinh cũ làm nguyên liệu sẽ làm giảm sức nóng của máy ra môi trường, tiết kiệm nguyên liệu…
Ngoài ra, còn có rác thải quần áo cũ. Theo đó, nhóm sẽ phân loại – một phần giữ lại làm gian hàng tuần hoàn gây quỹ hoạt động Gen Xanh, một phần làm nguyên liệu tái chế thành đồ dùng, phần lớn sẽ phân chia cho các nhóm thiện nguyện uy tín. Còn lại những món đồ quá cũ sẽ gửi qua trạm cứu hộ chó mèo làm ổ lót.
Về rác thải điện tử (pin, điện thoại, đồ điện tử…), Đặng Thị Thơm cho biết những thiết bị còn sử dụng được sẽ tặng lại cho người cần, còn đa phần sẽ đem đến một đơn vị tái chế uy tín. Với vỏ hộp sữa đã làm sạch cũng xử lý tương tự.
“Trong chiến dịch nói trên, Gen Xanh đề ra mục tiêu mở thật nhiều điểm thu gom rác đổi quà nhằm bước đầu tạo sự tiện lợi, tò mò và dần thay đổi thói quen cho người dân đem rác đến đúng nơi để xử lý đúng cách cũng như tiết kiệm được thời gian”, Thơm chia sẻ./
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị