Hãy vì Thủ đô bình yên!

Chiều 18/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

Theo đó, kể từ 0h ngày 19/7, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; đồng thời dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Hãy vì Thủ đô bình yên!
Ảnh minh họa: M.Phương

Như chúng ta biết, Hà Nội là Thủ đô của đất nước, có mật độ dân cư đông, giao thương lớn, nhiều cơ quan, đơn vị đóng trú, nếu Thành phố không có những biện pháp quyết liệt để thích ứng với những diễn biến của dịch bệnh thì hậu quả sẽ khôn lường. Do đó, việc Thành phố yêu cầu dừng tất cả các loại hình dịch vụ không thiết yếu, đồng thời hạn chế tối đa ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết, tăng cường làm việc online… là một quy định kịp thời và quyết liệt của Thành phố.

Hay tin Thành phố ban hành Công điện số 15, ông Mai Hồng, nguyên cán bộ cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ: “Cha ông ta xưa đã đúc kết đối với thiên tai, dịch họa phải lấy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bởi nếu chúng ta biết cách phòng bệnh sớm thì sẽ không dẫn đến những hệ lụy cho công tác khám, chữa bệnh.

Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chủng Delta đang lây lan khắp thế giới, đặc biệt là Indonesia; còn trong nước là thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, nếu Hà Nội không có giải pháp nhanh chóng để phòng từ xa thì nguy cơ dịch xâm nhập sẽ rất lớn. Là công dân chúng tôi luôn ủng hộ và chấp hành nghiêm Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố”.

Nhìn từ góc độ y khoa, dẫu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 trung tâm y học lớn nhất cả nước, có nhiều bệnh viện lớn, hiện đại, song so với các nước phát triển và dân số Thủ đô thì số lượng bệnh viện vẫn chưa nhiều, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khi có sự cố đại dịch xảy ra.

“Nước xa khó cứu được lửa gần”. “Lửa” Covid-19 đang rất gần, âm thầm lây lan nhanh trong cộng đồng, còn “nước xa” nghĩa là lực lượng y tế và nguồn lực y tế của Thủ đô cũng có hạn, nên để tránh gãy đổ hệ thống y tế và xa hơn là nền kinh tế, Thành phố thực hiện phương châm “phòng bệnh” trước.

Mặc dù, cách “phòng bệnh” trong Công điện số 15 có thể ảnh hưởng tới một bộ phận cư dân và các phân ngành, lĩnh vực kinh tế, song là một trong những cách làm hiệu quả nhất để “chặn” đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng, kịp thời khoanh vùng, truy vết, cắt đứt nguồn lây để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Một khi sức khỏe người dân được đảm bảo, “đường đi” của dịch được ngăn chặn, khi đó mọi hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội sẽ dần trở lại bình thường; chúng ta lại có điều kiện phát triển sản xuất – kinh doanh; người lao động lại được đảm bảo công ăn việc làm…

Mục tiêu rõ ràng là thế, cách thức triển khai khoa học là vậy, lẽ ra trong bối cảnh thiên tai, dịch họa, tất cả người dân đều phải “chung lưng đấu cật” với Chính phủ và Thành phố thì vẫn có một số ý kiến trên không gian mạng cho rằng đó là cách làm “ngăn sông, cấm chợ”!

Không! Thành phố không bao giờ “ngăn sông, cấm chợ”, mọi lĩnh vực thiết yếu, mặt hàng thiết yếu vẫn được hoạt động, lưu thông bình thường. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ, một mắt xích trong “guồng máy” phòng, chống dịch để Thủ đô sớm trở lại bình yên!

L.H

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích