Thế giới bùng siêu biến chủng mới B.1.1.529, hàng loạt quốc gia hành động khẩn

Thế giới bùng siêu biến chủng mới B.1.1.529, hàng loạt quốc gia hành động khẩn

MTĐT –  Thứ bảy, 27/11/2021 10:04 (GMT+7)

Biến chủng B.1.1.529 có nhiều đột biến chưa từng có đang gây lo ngại toàn cầu, hang loạt quốc gia đã hành động khẩn cấp đề phòng nguy cơ biến chủng này.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 260.820.796 ca, trong đó có 5.205.398 người tử vong.

Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.

Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi B.1.1.529, ngày 26/11, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ quốc gia châu Phi này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp đặc biệt để bàn việc ứng phó với biến thể siêu lây nhiễm này.

Anh là một trong những quốc gia đầu tiên ban bố lệnh tạm ngừng các chuyến bay từ một số quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho và Eswatini.

Trước đó, một số nước Liên minh châu Âu (EU) trong đó có Áo, Pháp, Italy, Hà Lan và Malta cũng đã thông báo cấm nhập cảnh đối với toàn bộ du khách đến từ Nam Phi Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn viết trên Twitter rằng, Đức đã tuyên bố Nam Phi là “vùng biến chủng virus”, nghĩa là các hãng hàng không chỉ được phép vận chuyển công dân Đức từ Nam Phi trở về nước. Tất cả công dân Đức từ Nam Phi trở về phải cách ly y tế 14 ngày kể cả đã tiêm đủ vaccine Covid-19 hay đã khỏi Covid-19.

Giới chức Hà Lan cũng có động thái tương tự với việc ban bố lệnh cấm các chuyến bay từ Nam Phi bắt đầu từ đêm 26/11. Italy cũng cấm toàn bộ người đến từ Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Trong khi đó, Cộng hòa Séc cho biết, tất cả người không phải công dân của nước này mà gần đây từng đến Nam Phi đều không được phép nhập cảnh.

Tây Ban Nha áp hạn chế đi lại đối với Nam Phi và một số nước láng giềng của nước này. Cuối ngày 26/11, Pháp cũng thông báo tạm ngừng chuyến bay từ một số nước châu Phi trong ít nhất 48 tiếng. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran, tất cả những người nhập cảnh gần đây từ khu vực này phải làm xét nghiệm Covid-19 và theo dõi sát sao.

tm-img-alt
Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ quốc gia châu Phi này. (Ảnh:Internet)

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 72.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 231 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 26/11, thế giới có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Cao ủy châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi tạm ngừng toàn bộ giao thông hàng không đi và đến từ các nước, vùng lãnh thổ xuất hiện biến chủng B.1.1.529 cho đến khi giới khoa học có đánh giá rõ ràng hơn về các nguy cơ mà nó có thể gây ra.

Quan chức này nhấn mạnh, châu Âu cần phối hợp hành động “nhanh chóng và quyết đoán”. “Ủy ban châu Âu đã đề xuất các nước thành viên kích hoạt phanh khẩn cấp đối với hoạt động đi lại từ các quốc gia ở phía nam châu Phi và các quốc gia bị ảnh hưởng nhằm hạn chế đà lây lan của biến chủng mới”, bà Leyen nói. Một hội đồng các chuyên gia y tế đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU đã tán thành đề xuất này.

Không chỉ châu Âu, một số nước châu Á cũng lập tức ban bố hạn chế đi lại với nhiều nước châu Phi.

Nhật Bản quyết định thắt chặt kiểm soát biên giới với du khách đến từ 6 nước châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho và Eswatini bắt đầu từ 27/11.

Singapore sẽ tạm ngừng nhập cảnh đối với người không phải công dân của họ đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe bắt đầu từ ngày 28/11. Trong khi đó, công dân và thường trú nhân Singapore từ những nước này trở về phải tự cách ly tại nhà 10 ngày. Malaysia cũng có động thái tương tự. Philippines tạm ngừng ngay lập tức các chuyến bay đến từ Nam Phi và 6 nước khác do lo ngại biến chủng B.1.1.529. Du khách đến từ 7 nước này sẽ chưa được nhập cảnh Philippines cho đến ngày 15/12.

Chính phủ Ấn Độ yêu cầu tất cả các bang kiểm soát chặt toàn bộ người từ Nam Phi và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới dù chưa thắt chặt kiểm soát biên giới.

Danh sách các nước hạn chế đi lại với một số nước châu Phi chắc chắn sẽ còn mở rộng tiếp. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, các nước chưa nên vội áp hạn chế đi lại liên quan đến B.1.1.529.

Châu Phi đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 sau khi các nhà khoa học Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 “có số lượng đột biến rất cao”. Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Israel và Bỉ trong số những du khách đến từ châu Phi. Diễn biến trên khiến nhiều nước như Đức, Anh, Italy, CH Séc, Singapore, Croatia, Malaysia, Maroc, Nhật Bản, Philippines… đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.

Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 – ông David Nabarro cho rằng biến thể B.1.1.529 rất đáng quan ngại khi virus có khả năng né tránh “hệ thống phòng thủ” của các vaccine mà thế giới đã sử dụng từ đầu năm đến nay.

Ông cho biết sẽ mất vài tuần để tìm hiểu cách thức lây lan của biến thể mới và tác động của nó đến các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay. Trước mắt, WHO khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và đánh giá rủi ro khi thực thi các biện pháp hạn chế đi lại.

Ngày 25/11, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Nam Phi Mondli Gungubele cảnh báo những sự kiện tụ họp đông người dịp cuối năm sẽ là mối đe dọa đối với trật tự trị an và có thể khiến các ca mắc COVID-19 tăng đột biến.

Cảnh báo của ông Mondli Gungubele được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học ở Nam Phi cùng ngày thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 “có số lượng đột biến rất cao”. Biến thể mới này được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây. Các trường hợp đầu tiên mắc biến thể B.1.1.529 được ghi nhận tại Nam Phi vài ngày 14/11 vừa qua.

Trong báo cáo của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nam Phi, phần lớn các ca mắc mới COVID-19 của nước này là ở tỉnh Gauteng – nơi có thủ đô hành chính Pretoria và đô thị kinh tế lớn Johannesburg.

Trong tổng số 2.465 ca lây nhiễm mới tại Nam Phi trong 24 giờ qua, có tới 79% trường hợp (1.950 ca) ghi nhận là tại tỉnh Gauteng. Giới chuyên gia y tế cho rằng nước này đang trong giai đoạn đầu tái bùng phát dịch bệnh, đồng thời dự báo số ca nhập viện điều trị do COVID-19 sẽ tăng lên gấp nhiều lần sau 2 đến 3 tuần nữa.

Nam Phi đã thực hiện lệnh cấm bán bia rượu trong các đợt giãn cách xã hội vì COVID-19 trước đó. Ngành đồ uống có cồn của quốc gia cực Nam châu Phi này đã nhiều lần kêu gọi sớm dỡ bỏ các quy định về bán và tiêu thụ bia, rượu với lý do ảnh hưởng đến sinh kế và nền kinh tế.

Minh Thư (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích