Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030

Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030

MTĐT –  Thứ sáu, 26/11/2021 10:47 (GMT+7)

Ngày 24-11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Mục tiêu là nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar).

Cụ thể của Kế hoạch đến năm 2025 là hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.

Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc; mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.

Đến năm 2030, cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;…

Những nhiệm vụ chủ yếu là thống kê, kiểm kê các vùng nước và điều tra, xác lập Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng; thành lập mới các khu bảo tồn ngập nước và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam; quan trắc, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về vùng đất ngập nước.

Đồng thời, một nhiệm vụ quan trọng là phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái. Cụ thể, điều tra, đánh giá mức độ suy thoái, nguyên nhân và khả năng phục hồi của các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái tại Việt Nam. Triển khai phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái. Ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái tại các khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar và một số hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các mối đe dọa, đánh giá mức độ tác động đến các vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước quan trọng dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng. Cụ thể, xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình đã triển khai và phổ biến rộng rãi. Thí điểm các mô hình đồng quản lý, mô hình quản lý có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng đối với một số vùng đất ngập nước quan trọng; triển khai thực hiện áp dụng cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng nguồn tài nguyên đất ngập nước.

Một số giải pháp:
Hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước; Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước; Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, Tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vũng tài nguyên đất ngập nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích