Thanh Hóa dành hơn 8ha đất xây nhà ga đường sắt cao tốc Bắc Nam
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 18579/UBND-CN gửi Sở Xây dưng, UBND thành phố Thanh Hóa về phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhà ga đường sắt cao tốc Bắc Nam và khu vực xung quanh.
Công văn nêu rõ hiện tại, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đang được nghiên cứu ở bước tiền khả thi và đang trong giai đoạn trình các cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, hồ sơ được nghiên cứu sơ bộ, chưa khảo sát chi tiết, các yếu tố về kết cấu công trình mới chỉ là dự kiến; quy mô, diện tích và ranh giới nhà ga chưa thể xác định chính xác trong giai đoạn nghiên cứu này.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu dành đất để xây dựng nhà ga đường sắt tốc độ cao với quy mô diện tích khoảng 8,1ha. Đồng thời, giữ nguyên chưa quy hoạch khu đất ký hiệu DVVT-Lô 1 (theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực đông ga đường sắt cao tốc Bắc Nam được phê duyệt tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 có diện tích khoảng 7,31ha).
Đối với khu đất có ký hiệu DVTM-10 và một phần DVTM-11 (theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực đông ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, có tổng diện tích khoảng 5,2ha), ông Mai Xuân Liêm yêu cầu dành đất bố trí cho các cơ quan ngành đường sắt phải di chuyển để đầu tư xây dựng khu vực Hồ Thành, thành phố Thanh Hóa.
Về đường sắt cao tốc Bắc Nam, trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết với quy hoạch đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao để cạnh tranh hàng không.
Theo ông Thể, trong nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phấn đấu trình Chính phủ báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, để báo cáo lên Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, để kỳ tới sẽ tập trung thiết kế, giải phóng mặt bằng.
Mục tiêu tới năm 2028 – 2029 sẽ khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn tuyến đầu tiên của cao tốc Bắc Nam (Hà Nội – Vinh, TP. HCM – Nha Trang).
Về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đường sắt, quy hoạch xác định nguồn vốn 240.000 tỷ đồng để cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện hữu. Nghiên cứu, xây mới 9 dự án mới đã quy hoạch, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và TP.HCM – Cần Thơ.
Đến năm 2050, ngành giao thông sẽ nâng cấp xây dựng mới và đưa vào khai thác 25 tuyến đường sắt.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu