Đối thoại cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng
(TN&MT) – Sáng 26/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đồng chủ trị Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị |
Nỗ lực cải cách thủ tục đầu tư xây dựng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện. Riêng trong 10 tháng năm 2021, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công Phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021, 2022.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư – xây dựng – đất đai – môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch. Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới.
Quang cảnh hội nghị |
Vướng mắc thủ tục hành chính về đầu tư – xây dựng
Báo cáo của VCCI về “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ Khảo sát doanh nghiệp năm 2020”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, Báo cáo là trải nghiệm trực tiếp của gần 2000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất. Báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng, từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.
Theo đó, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, qua khảo sát, doanh nghiệp phản ánh còn gặp rất nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều thủ tục hành chính về đầu tư-xây dựng và các lĩnh vực liên quan. Báo cáo cho thấy doanh nghiệp còn gặp khó khăn đáng kể ở một số thủ tục hành chính. Cụ thể, 40% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng còn gặp khó khăn ở khâu quyết định chủ trương đầu tư; 50% doanh nghiệp khó khăn ở các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% liên quan đến các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Trong khi đó, 41,4% doanh nghiệp cho biết gặp khó về thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; 42,9% về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; 35,8% doanh nghiệp khó khăn trong xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; 24,3% doanh nghiệp khó khăn ở khâu cấp, thoát nước; 39,8% doanh nghiệp khó khăn trong thủ tục đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng; 43,7% doanh nghiệp khó khăn ở khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; 27,6% doanh nghiệp khó ở thủ tục kết nối cấp điện.
So sánh sự khác biệt giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp dân doanh, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 6/10 thủ tục hành chính được khảo sát. Khác biệt đáng kể ở các thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư”, “giải phóng mặt bằng” và “thủ tục về quy hoạch xây dựng”.
Theo khu vực, khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn tại Đông Nam Bộ cao nhất ở 5/10 nhóm thủ tục hành chính, gồm “thẩm duyệt về phóng cháy, chữa cháy”, “thẩm định báo cáo đnahs giá tác động môi trường”, “thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng”, “cấp thoát nước”, và “đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng”. Trong đó, doanh nghiệp ở các tỉnh duyên hải miền Trung ít gặp khó khăn khi tuân thủ thủ tục hành chính hơn các khu vực khác.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng 23,93 ngày. Năm 2020, thời gian cần thiết để nhận được giấy phép xây dựng đã giảm so với kết quả năm 2019.
Gỡ vướng cho đầu tư bất động sản
Góp ý về gỡ vướng cho chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cho biết, Tập đoàn Nam Long là doanh nghiệp có trên 29 năm phát triển bất động sản. Những năm trước đây, doanh nghiệp phát triển trên 2000 sản phẩm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, đang dừng lại do có những vướng mắc và cần có những đột phá về chính sách, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng, cần xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa. Để làm được điều đó, trước tiên cần định nghĩa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ căn cứ trên diện tích sàn căn hộ, giá bán căn hộ để có chính sách ưu đãi phù hợp. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng dân số từ 1,2-1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành. Thực chất trong các chính sách của ta đã nói lên điều này, nhưng các văn bản quy phạm chưa điều chỉnh tương ứng.
Cùng với đó, thực hiện giảm thuế VAT cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Theo kinh nghiệm của Singapore và Hà Lan, bản chất không phải nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, các quỹ tài chính được hợp tác với người mua nhà và doanh nghiệp để tạo ra gói hỗ trợ người mua nhà.
“Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thời gian là tiền bạc. Hiện nay, việc triển khai khâu thủ tục đầu tư dự án mất từ 2 – 3 năm. Với lãi suất ngân hàng hiện từ 10 – 12%/năm, chi phí đó được đẩy vào chi phí giá thành. Do đó, rất khó để có các sản phẩm vừa túi tiền nữa”, ông Nguyễn Xuân Quang.
Để khắc phục điều này, ông Nguyễn Xuân Quang đề nghị, đưa chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng chính vào giá thành nhà ở xã hội. Điều chỉnh định mức chi phí đầu tư với nhà ở xã hội phù hợp với thực tế. Đồng thời, thay việc “miễn tiền sử dụng đất” bằng việc “không thực hiện tiền sử dụng đất” với nhà ở xã hội. Vì khi dùng từ “miễn tiền sử dụng đất”, các doanh nghiệp phải làm cả một quy trình để định giá đất, sau đó mới xin miễn giảm tiền sử dụng của tất cả các sở, ngành. Quy trình đó mất rất nhiều thời gian, có thể lên tới 12 tháng.
Ông Nguyễn Xuân Quang cũng đề nghị, thành lập Ban chỉ đạo liên bộ ở trong chương trình phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Trong đó, Bộ Xây dựng làm nòng cốt cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính. Nếu thực tốt các giải pháp này, ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản tham gia vào chương trình nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá nhà có thể giảm tối thiểu trên 20%, có thêm hàng triệu căn nhà mới đáp ứng Chương trình phát triển nhà ở quốc gia 2021 – 2030.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Về gỡ khó cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là ngành kinh doanh phải thực hiện các thủ tục đầu tư phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Chịu sự tác đông của 12 luật khác nhau, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy… Sự phức tạp này làm cho việc triển khai các dự án bất động sản với tốc độ chậm, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, về lựa chọn nhà đầu tư, hiện Điều 75 Luật Đầu tư và Điều 23 Luật Nhà ở về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư đang bất cập. Việc chuyển đổi từ đất khác sang đất nhà ở đô thị, trong quy định Luật Nhà ở là phải có ít nhất một ít đất ở trong dự án đó. Bất cập này đang gây ách tắc khoảng 400 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến với Chính phủ sửa bất cập này.
“Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư phải bảo hành 60 tháng nhưng Nghị định 06 của Chính phủ lại quy định công trình cấp 1 và cấp đặc biệt chỉ bảo hành có 24 tháng. Dẫn đến, người dân thì áp dụng theo Luật Nhà ở, khiến các chủ đầu tư gặp nhiều túng túng. Như vậy, ngay giữa Nghị định và Luật đã có sự vênh nhau”, ông Nguyễn Quốc Hiệp.
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, Luật Đất đai có vị trí rất quan trọng. Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng là rất chậm, gây ách tắc trong thực hiện các dự án đầu tư. Có những dự án đền bù giải phóng mặt bằng hết 177 bước, với nhiều thủ tục mất rất nhiều thời gian. Đề nghị nâng khung giá đền bù cho nông dân khi thu hồi đất lúa. Hiện, có tỉnh đưa ra hệ số đền bù là 1, có tỉnh là 2, có tỉnh là 6. Những tỉnh đưa ra hệ số đền bù cao thì việc đền bù giải phóng mặt bằng tương đối dễ, những tỉnh đưa thấp thì rất khó. Cùng với đó, cần có các cơ chế rõ ràng cho các cơ quan chính quyền địa phương trong việc thu hồi đất để đảm bảo chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện được các dự án.