Chuyến hồi hương không mong muốn
Chuyến hồi hương không mong muốn
Người ta thường hồi hương khi công thành danh toại nhưng với những người lao động nghèo miền Nam, họ về quê như về với chốn nương thân sau những ngày rã rời vì dịch bệnh, đói kém.
Mạng xã hội những ngày qua nổi bật với vô số những hình ảnh đoàn người lao động từ các tỉnh miền Nam như Bình Dương, TP.HCM,… chạy xe máy về quê tránh dịch. Họ không hẹn mà gặp nhau trên đường, nhập đoàn để đỡ đần nhau trong hành trình hồi hương đầy gian truân.
Khuôn mặt họ ai cũng lo âu, mệt mỏi với chặng đường dài hàng nghìn km trong khi phía sau là 1 – 2 túi đồ cùng vợ con nheo nhóc khiến ai nhìn thấy cũng phải xót xa. Để nhanh chóng được thoát khỏi vùng dịch về quê họ đã đi xuyên ngày, xuyên đêm, thậm chí nhịn đói để tiết kiệm thời gian và chi phí trên đường.
Trong hành trình vạn dặm từ Nam ra Bắc, đâu đó chỉ có những bữa ăn tạm bợ ven đường, giấc ngủ “màn trời chiếu đất” vạ vật giữa quốc lộ để lấy sức sau một ngày rong ruổi, những gương mặt hốc hác, sạm đen vì nóng, vì đói.
Hàng nghìn người ròng rã đi xe máy về quê tránh dịch.
Chuyến hồi hương lần này, sẽ không phải là niềm háo hức trong hành trình trở về nhà ăn Tết, không phải là niềm vui của cuộc sum họp, đoàn tụ. Hành trang hồi hương không đủng đỉnh vali quần áo đẹp, quà bánh hay số tiền tiết kiệm cả năm đi làm mà chỉ đơn giản là bánh mì, nước uống, can xăng, dụng cụ sửa xe cùng tư trang. Trong số họ, có người chỉ còn trên mình vài triệu bạc, thậm chí vài trăm nghìn làm lộ phí test nhanh và đi đường vì thất nghiệp lâu ngày.
Có thể từ nhiều năm trước, họ cũng đã có cuộc di cư vào phương Nam – miền đất hứa để trở thành công nhân của các nhà máy, xí nghiệp. Sài Gòn là mảnh đất nơi hàng triệu người lao động tứ xứ đổ về mưu sinh. Sài Gòn đã cưu mang họ, nuôi gia đình họ tốt hơn những cánh đồng lúa, mảnh ruộng nương ở quê nhà. Nhưng giờ đây, khi dịch bệnh hoành hành, họ trở nên tứ cố vô thân, không còn việc làm, không có tiền thuê nhà, ngay cả miếng ăn cũng chỉ có thể trông chờ vào những mạnh thường quân.
Đó không phải cuộc sống mà họ mong chờ ở chốn “đất khách quê người”. Nếu cứ cố bám trụ, họ không chết vì dịch bệnh cũng chết vì đói. Bởi thế họ quyết định rời Sài Gòn, để lại sau lưng mình sự bất lực, tiếc nuối và bao nỗi khổ tâm vì không biết từ giờ sẽ trông cậy vào đâu.
Giấc ngủ vạ vật ngoài đường khiến ai cũng xót xa.
Cực chẳng đã mới phải về quê lúc này. Cuộc sống nơi “đất khách quê người” vốn đã khó khăn với những người công nhân nay dịch bệnh bùng phát khiến họ càng thêm khốn đốn.
Gia đình 5 người đi xe máy ròng rã 1.700km từ Lâm Đồng về Lào Cai tránh dịch Covid-19.
Điển hình trong đó là câu chuyện của anh Tám. Thất nghiệp, anh vẫn cố bám trụ thành phố với hi vọng dịch nhanh qua đi và mọi thứ tốt đẹp trở lại. Nhưng rồi chẳng ai kêu mướn trong khi gánh nặng ăn uống, ở trọ khiến anh hết sạch tiền tích lũy mà dịch thì mỗi ngày một phức tạp. Không còn lựa chọn khác, anh quyết đi bộ về quê. Đoạn đường vô cùng khắc nghiệt, một mình lầm lũi bước, đói thì ghé nhà dân cạnh đường mượn bát, xin nước sôi lấy mì tôm mang theo úp ăn tạm. Tối đến vạ đâu nằm đó, lúc thì gầm cầu, lúc thì vỉa hè nhà ai đó. Vài lần anh được những người đi xe máy thấy thương tình cho quá giang, nhưng cộng lại chỉ được vài chục cây số.
Anh Tám đi bộ 1.000 cây số để về quê.
Câu chuyện bé trai 9 ngày tuổi cùng bố mẹ vượt hơn 1.000 km bằng xe máy để về quê khiến triệu người xúc động. Giữa muôn trùng khó khăn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, 10 ngày trước chị Phùng A Tranh sinh em bé. Cuộc sống của cặp vợ chồng vốn đã khó khăn lại càng thêm bi đát. Họ quyết định trở về quê nhà Nghệ An bằng xe gắn máy khi trong túi chỉ còn vài trăm bạc. Ở quê dẫu đói nhưng còn gia đình, người thân, rau củ trong nhà còn có sẵn.
Đôi vợ chồng nghèo ngày chạy xe, đêm nghỉ bên đường, con khát sữa thì dừng xe bên Quốc lộ cho bú. May mắn khi chạy xe được hơn 1.000 km về đến Đà Nẵng đã được anh Trần Vương, một thành viên CLB xe bán tải Đà Nẵng biết chuyện, cảm thông với hoàn cảnh khó khăn đã tìm cách liên lạc, thuê cho họ một chiếc xe cứu thương, giúp đỡ chút ít lộ phí đưa trở về quê nhà.
Cũng trong những ngày này, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được đánh thức hơn bao giờ hết. Để hành trình hồi hương của người lao động đỡ vất vả, đã có nhiều tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ tiền mặt cũng như lương thực, thực phẩm giúp những người xa xứ vơi bớt khó khăn trên muôn nẻo đường về. Hành trình hồi hương đầy bão táp, gian nan ấy âu cũng là hành trình của tình người.
Khi thành phố không còn đủ sức để cưu mang người lao động nhập cư, đây là lúc quê hương, chính quyền địa phương mở rộng vòng tay đón họ trở về. Tình cảm đồng hương và những sẻ chia từ quê nhà trong lúc khốn khó, nguy cấp đối với họ là dòng nước dịu mát hơn bao giờ hết.
Hành trình hồi hương không mong muốn này sẽ hằn sâu trong tâm trí mỗi người. Những tháng ngày sắp tới tuy sẽ thật khó khăn nhưng ai cũng mong bình yên sớm quay trở lại.
Anh Nguyễn Khắc An, sống tại Vinh đã viết những dòng đau đến xé lòng cho những xót thương của những ngày này:
“Cố lên con, sắp đến quê rồi.
Ôm thật chặt để bố đi con nhé.
Chỉ hơn ngàn cây số nữa thôi…
… qua cầu là đất mẹ
Nếu xe máy không hư, 3 ngày nữa về nhà…
Bố xin lỗi con nếu chẳng có ai chờ
Hay ai đó nhìn chúng ta… quay mặt.
Thì cứ ôm bố như hôm nay…
con ơi thật chặt
Đừng tủi nghe con, tồi tệ nhất qua rồi.
**
Bố chỉ còn nơi duy nhất đó thôi.
Hoạn nạn không về quê thì biết đi đâu nữa?
Mạnh mẽ lên con bởi mỗi sau cánh cửa
Khép mở tùy tâm trắc ẩn lòng người”
Thương lắm, đồng bào ơi!
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ