Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi
(Xây dựng) – Ngày 24/11, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ điểm cầu 37 Lê Đại Hành, Đảng ủy Bộ Xây dựng đã tham gia theo hình thức trực tuyến.
Đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Văn hóa là sức mạnh nội sinh của đất nước
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay được tổ chức trong tòa nhà Quốc hội với sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 500 đại biểu làm văn hóa và được phát trực tuyến trên toàn quốc, trong đó có điểm cầu tại Bộ Xây dựng. Mở đầu Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; và các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”.
Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong diễn văn khai mạc, Bác Hồ đã nêu ra một chân lý: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi… Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa”.
Dựa trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn coi trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn hồn cốt của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tiến lên xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và ban hành nhiều chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần tích cực xây dựng văn hóa và con người Việt Nam năng động, sáng tạo, văn minh và chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật làm cơ sở pháp lý; ban hành các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để nâng cao chất lượng nhân lực cho các hoạt động văn hóa, thể thao, từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về văn hóa.
Đó là cơ sở giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa chính trị; tạo ra chuyển biến về nhận thức và hành động trong xây dựng văn hóa kinh tế.
Đặc biệt, nhân dân Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam. Tinh thần này luôn được phát huy cao độ khi đất nước gặp nhiều khó khăn, thử thách do thiên tai và dịch bệnh, mới nhất là sự chung tay đồng lòng của cả nước trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.
Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam sau 35 đổi mới đất nước vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua, khi kinh tế liên tục tăng trưởng cao giúp đời sống vật chất nâng lên, nhưng đời sống văn hóa tinh thần lại chưa phát triển tương xứng.
Đó là hệ quả của việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, Nghị quyết của Đảng về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra; việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, Nghị quyết của Đảng chưa theo kịp yêu cầu; môi trường văn hóa gia đình – nhà trường – xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp.
Bên cạnh đó, việc nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, văn hóa với chính trị chưa được cấp ủy, chính quyền nhiều nơi quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện không đạt kết quả tương xứng.
Việc nhìn nhận và phân tích những hạn chế, yếu kém nêu trên đã giúp Đảng rút ra một số bài học kinh nghiệm để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Mục tiêu trong giai đoạn tới là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có đề ra 10 giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Một là tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững. Hai là tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Ba là hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa.
Đảng ủy Bộ Xây dựng đã tham gia Hội nghị Văn hóa toàn quốc theo hình thức trực tuyến. |
Bốn là phát triển nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và nhân lực cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Năm là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Sáu là phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường nước ngoài.
Bảy là xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Tám là phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chín là tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Mười là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Nguồn: Báo xây dựng