Quảng Ninh: Công trình xây dựng “đi vào” tác phẩm nghệ thuật
(Xây dựng) – Ngày 21/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long đã tổ chức cho văn nghệ sĩ Quảng Ninh, nòng cốt là hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hạ Long đi thực tế sáng tác tại địa phương, trong đó có công trình giao thông hiện đại và công trình văn hóa cổ đại.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long Phan Thị Hải Hường (áo tím) hướng dẫn các nghệ sĩ thăm vườn mẫu chương trình Nông thôn mới nâng cao ở xã Sơn Dương. |
Đoàn văn nghệ sĩ gồm 60 người thuộc 7 loại hình nghệ thuật: Văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc… đã thực tế công trình xây dựng cầu Cửa Lục I; Đền thờ Vua Lê Lợi; Đền thờ Anh nghị Đại vương Vũ Phi Hổ; Di tích nơi thành lập Huyện ủy Hoành Bồ; Bia tưởng niệm 34 liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong 9 năm kháng chiến ở Vùng Mỏ; Khu bảo tồn người Dao Thanh Y; Vườn mẫu xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Huyện ủy Hoành Bồ thành lập ngày 23/3/1947 tại Khe Cả, thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương. |
Văn nghệ sĩ thực mục cầu Cửa Lục I, công nghệ xây dựng cầu đường hiện đại, lại có nét kiến trúc nghệ thuật. Cây cầu này bắc qua một nhánh sông của vịnh Cửa Lục. Tích xưa, vịnh Cửa Lục là dấu chân ông khổng lồ gánh đá vá trời. Không may bị đứt gánh, quẩy bên này rơi xuống vịnh Hạ Long nay là núi Bài Thơ, quẩy kia rơi xuống rừng nay là Núi Mằn. Các nhà địa chất xác định núi Bài Thơ và Núi Mằn là hai quả núi song sinh trong thời kỳ địa chất thứ II.
Hiện, núi Bài Thơ và Núi Mằn cùng là hai di tích xếp hạng quốc gia. Cầu Cửa Lục I là 1 trong 5 cây cầu gồm: Bút Xê, Của Lục I, Của Lục II, Cửu Lục III, cầu Bang cùng bắc qua nhánh sông vịnh Cửu Lục (nối đô thị Hạ Long với vùng rừng Hoành Bồ), tương ứng với 5 con sông hình thù ngón chân ông khổng lồ là những sông: Giáp Khẩu, Diễn Vọng, Đá Trắng, Núi Mằn, sông Trới.
Đền thờ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) – ngôi đền duy nhất ở vùng Đông Bắc bộ thờ vị vua đầu tiên lập ra Vương triều nhà Hậu Lê. Khi sinh thời, nhà vua kinh lý qua đây thấy thế đất phong thủy thì dừng lại, tuốt gương cắm xuống đất tuyền rằng: Ta sống xưng vương, thác làm thành hoàng đất này. Nhà vua qua đời, quan tri huyện Hoành Bồ và chánh tổng Trí Xuyên dựng đền thờ từ đó đến nay tại gò Đống Chợ, xóm Mũ, thôn An Biên.
Ngôi đền duy nhất thờ vua Lê Lợi ở Quảng Ninh tại gò Đống Chợ, xóm Mũ, thôn An Biên, xã Lê Lợi.
Đền thờ tiến sĩ Vũ Phi Hổ ở thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi là công trình được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh.
Đền thờ “Anh nghị Đại Vương”, tạm dịch là thờ người có công với dân với nước ở trong thời phong kiến. Thần chủ ngôi đền là Phó đô Ngự sử, tiến sĩ Vũ Phi Hổ, vị tiến sĩ đầu tiên của vùng Đông Bắc, khoa cử cách đây trên 500 năm. Vị quan thời Lê Trung Hưng, mà Triều sau cách đó trên 300 năm. Năm 1802, vua Gia Long truy phong danh hiệu cao quý – người có công với dân với nước. Ngôi đền khang trang, tượng thần chủ bằng đồng nguyên chất dát vàng mười, tỷ lệ 1/1 nặng trên 5 tấn, đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Du khách đến không thu phí cửa đền, còn được uống nước miễn phí, đền thiêng đang là điểm du lịch tâm linh ở Bắc Cửa Lục.
Các di tích lịch sử như: Nơi thành lập Huyện ủy Hoành Bồ vào ngày 23/3/1947, tại Khe Cả, thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương; Nơi thành lập Đại đội quân chủ lực đầu tiên của Khu Mỏ ngày 30/12/1946 là đơn vị vũ trang duy nhất Việt Nam vinh dự được mang tên Bácn – Đại đội Hồ Chí Minh (khi Người còn sống); Bia tưởng niệm 34 chiến sĩ hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt chống quân Pháp tại chiến khu Sơn Dương vào ngày 11/01/1947.
Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả. |
Văn nghệ sĩ đến thăm Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả; Vườn mẫu xây dựng nông thôn mới nâng cao, ở xã Sơn Dương… các công trình xây dựng công nghệ hiện đại, đan xen với công trình cổ đại… theo hướng phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bà Phan Thị Hải Hường – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cho biết: Địa phương đang đầu tư cho hoạt động văn hóa để tương xứng với bước tiến bộ về kinh tế. Văn hóa luôn là nền tảng là cơ sở hình thành các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… tái tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn ở thành phố đang có hướng trọng tâm nguồn thu là ngành Du lịch.
Ngay sau giờ cán đích, chuyến thực tế sáng tác đã có trên 20 tác phẩm nghệ thuật, gồm: Thơ, nhạc, họa, ảnh nghệ thuật… Một số tác phẩm sáng tác tuy “thần tốc” nhưng sắc sảo chất thông tấn, lại giàu tính nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Đỗ Kha, Đỗ Khánh, Duy Đoan, Đào Xuân Cáp; bản thảo âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hòa An, Xuân Nhật, Lê Nguyên Thêm; nhiều nhà văn tức cảnh thành thơ như Bùi Vinh Chuyên, Nguyễn Tiến Thu, Lê Quyền…
Nguồn: Báo xây dựng