Dự kiến trình Quốc hội 5 nội dung tại kỳ họp không thường kỳ
Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 16 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, kỳ họp thứ hai đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn tuyệt đối, ngày càng đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Về việc chuẩn bị kỳ họp không thường kỳ của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ 5 nội dung đã thống nhất để có cơ sở xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp không thường kỳ của Quốc hội. Đến nay, đã nhận hồ sơ tài liệu của 4 nội dung gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Còn thiếu hồ sơ tài liệu của một nội dung là đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Dự kiến tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày. Trong đó, thời gian thảo luận là 3,5 ngày; phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, trình bày một số báo cáo và biểu quyết thông qua là 1 ngày.
Về chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dự kiến Quốc hội làm việc 18 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5 và bế mạc vào ngày 15/6/2022. Dự kiến Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn… dự kiến tại kỳ họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), tuy nhiên dự phòng phương án họp trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng 3 hoặc tuần đầu tiên của tháng 4/2022 để cho ý kiến về một số nội dung cần thiết.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp thứ hai đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, hoàn thiện khuôn khổ quan trọng cho 5 năm tới. “Kết quả của kỳ họp đã khẳng định được vai trò, chức năng, nhiệm vụ được hiến định của Quốc hội… là thành quả của sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Về tổ chức kỳ họp không thường kỳ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đánh số hiệu kỳ họp một cách phù hợp. Để chuẩn bị nội dung, các cơ quan liên quan cần đề cao quyết tâm chính trị, nỗ lực vào cuộc tối đa hoàn thành các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp không thường kỳ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần bố trí ít nhất 2 ngày giữa phần thảo luận và phần biểu quyết thông qua để các cơ quan tiếp thu, giải trình trước khi trình Quốc hội, đồng thời dành thời gian phù hợp cho thảo luận tổ.
Về kỳ họp thứ ba, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tận dụng tối đa các ưu điểm đã có được như họp trực tuyến để nghiên cứu tổ chức kỳ họp. Bên cạnh đó, để bảo đảm các nội dung tại kỳ họp, các cơ quan liên quan cần nỗ lực ngay từ thời điểm này để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu các dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trước đó, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý về mặt nguyên tắc việc ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.
Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ quyết định ký Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.
Xem link!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu