Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ 500 tỷ đồng phát triển hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng
Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ 500 tỷ đồng phát triển hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ 500 tỷ đồng vốn trung hạn để xây dựng 3,7km đường nội khu vào khu kinh tế Vũng Áng.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký văn bản (số 7758) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 để phát triển hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo bản khái toán kinh phí đầu tư dự án Đường từ Quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa, tuyến đường này có chiều dài 3,7km với chi phí xây dựng 513,068 tỷ đồng; các chi phí khác như bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác và chi phí dự phòng là 155,758 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 668,826 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng, khoảng 168 tỷ đồng còn lại sẽ do tỉnh Hà Tĩnh huy động để hoàn thành dự án.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định và giải ngân hết nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và phát huy hiệu quả đầu tư”, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho hay.
Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, hiện khu kinh tế có 146 dự án đã và đang được đầu tư, trong đó có 84 dự án trong nước với tổng mức vốn đăng ký 48.700 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn đăng ký 13,6 tỷ USD.
Các dự án lớn đã hoàn thành và đi và hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng như khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng Vũng Áng, hệ thống cảng biển…
Bên cạnh đó, tại khu kinh tế Vũng Áng cũng đang sở hữu những đại dự án đang chuẩn bị khởi động và thi công xây dựng như nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất Cell Pin của Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng; dự án tổ hợp công nghiệp ô tô VinFast.
“Khu kinh tế Vũng Áng cũng đang tiến hành đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổ hợp điện khí Vũng Áng III, hạ tầng đô thi, du lịch dịch vụ… Trong điều kiện nguồn cân đối ngân sách địa phương còn khó khăn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện đầu tư xây dựng dự án Đường từ quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa”, văn bản nêu rõ.
Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung đầu tư phát triển với thế mạnh về công nghiệp thép và cơ khí, năng lượng, cảng biển nước sâu và dịch vụ logistics.
Với lợi thế nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế, trục hành lang kinh tế Đông – Tây trong tiểu vùng sông Mekong (GMS), với hạt nhân là Khu liên hiệp gang thép và cum cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, các dự án điện…
Tuy vậy, KTT Vũng Áng còn thiếu các hạ tầng lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ các dự án trọng điểm. Do đó, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối là hết sức cần thiết và cấp bách.
Trong điều kiện nguồn cân đối ngân sách địa phương còn khó khăn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện đầu tư xây dựng dự án Đường từ quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa.
Trước đó, vào tháng 10/2021, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã có dự thảo đề án “Xây dựng KKT Vũng Áng là động lực phát triển nhanh kinh tế Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2030”.
Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng KKT Vũng Áng trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm: Phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng – Sơn Dương; xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng – Sơn Dương cùng các trung tâm công nghiệp luyện kim, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực, đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; đồng hành với nâng cấp thị xã Kỳ Anh trở thành vùng đô thị trung tâm phía Nam, hình thành thành phố công nghiệp Kỳ Anh trong tương lai, kết nối Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình.
An Nhiên (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị